Dự thảo Luật đất đai sửa đổi: Chưa rõ quyền của người dân

(VOV) - Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường: Người dân cũng phải có quyền gì đấy đối với Nhà nước, phải tôn trọng lợi ích của người có đất...

Quốc hội đang thảo luận và cho ý kiến về Luật Đất đai sửa đổi. Đây là dự án Luật thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân vì diện phổ của nó rất lớn.

Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời báo chí về những nội dung liên quan đến lần sửa đổi này.

PV: Thưa Bộ trưởng, nhiều ý kiến đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo. Tuy nhiên, dự thảo lần này vẫn chưa “vượt” qua được Luật Đất đai năm 1993 và 2003 đó là vẫn nặng về quyền của Nhà nước, còn quyền của người dân rất mờ nhạt?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Đúng là hiện nay chúng ta vẫn nặng về quyền của Nhà nước nhiều hơn. Người dân cũng phải có quyền gì đấy đối với Nhà nước. Cái này chúng ta phải nghiên cứu. Quyền của Nhà nước là gì trong luật sẽ qui định nhưng ngược lại người dân có quyền gì (giám sát, đảm bảo công khai minh bạch đối với cơ quan quản lý Nhà nước, cung cấp thông tin…).

PV: Một trong những lý do khiến tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ cao trong thời gian vừa qua là việc định giá chưa sát với thị trường. Vậy thời gian tới, công tác này sẽ được tiến hành như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Vẫn phải có khung giá nhưng phải khác trước đấy rất nhiều. Khung giá trước đây chỉ có 3 vùng là đồng bằng, trung du, miền núi,  nhưng bây giờ sẽ phủ dày hơn thì độ chính xác cao hơn và sẽ ổn định trong một thời gian. Khung giá này cũng chú ý là đất phải có giá chứ không thể tính toán rẻ mạt rồi thu hồi để ta làm chuyện này, chuyện khác. Nếu dân được lợi thì người ta rất đồng tình. Kinh tế của họ  mạnh lên thì Nhà nước sẽ mạnh lên. Phải xuất phát từ lợi ích người dân thì thu hồi đất sẽ hiệu quả.

PV: Vậy sẽ tổ chức thực hiện theo cách thức như thế nào để đảm bảo mục tiêu đề ra, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Tới đây, chúng tôi nghiên cứu tổ chức cơ quan định giá. Hiện nay, chúng ta đang làm rất tùy tiện. Chúng tôi cũng đang tính toán, sau này cơ quan chủ quản về giá ở đây là ai, Bộ Tài nguyên-Môi trường hay Bộ Tài chính? Hiện nay, Bộ Tài nguyên-Môi trường đang nắm phần trên (khung giá) nhưng  phần dưới lại là Bộ Tài chính. Vấn đề này cần phải được tính toán cụ thể. Ngoài ra, cũng cần có tổ chức tư vấn về vấn đề giá đất. Tư vấn phải khách quan, không tùy thuộc vào chủ quan của người có quyết định thu hồi đất. Luật cũ chưa tính hết vấn đề nên giờ chúng ta phải sửa.

Việc định giá dưới giá trị thực tế là vì chúng ta chưa chuyên nghiệp. Sắp tới chúng tôi sẽ có Nghị định qui định cụ thể tổ chức định giá này thế nào, nó hoạt động với những tiêu chí gì, hoạt động theo khuôn khổ pháp luật như thế nào..

PV: Nếu giá đó không sát thì dân có quyền bác giá đó không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Cơ quan tư vấn phải hoạt động theo đúng luật. Để tăng tính khách quan thì sự tham gia của người dân là quan trọng. Ví dụ, trước khi thu hồi đất phải khảo sát ý kiến người dân, điều tra hiện trạng đất đai, tình hình dân cư… Việc công khai ấy rất quan trọng. Và tôi rất thấm thía ý kiến của đại biểu nói bây giờ mình cứ thu hồi đất mà không biết người dân họ đi đâu, sống thế nào… Bài học bây giờ chúng ta quá thấm thía.

Quy trình thu hồi đất thế nào? Cái này không thể nói quá cụ thể trong Luật được mà sau này sẽ có các thông tư. Tóm lại, chúng ta phải hết sức bảo vệ, tôn trọng lợi ích của người dân, người có đất và nếu thu hồi đất thì họ sống như thế nào là điểm quan trọng nhất. Trong luật cũ qui định rồi, anh muốn thu hồi đất, giải phóng người dân thì phải có chỗ tái định cư, nhưng do tổ chức thực hiện của chúng ta chưa đúng luật chứ không phải do Luật. Điều này đòi hỏi minh bạch, khách quan, sự tham gia của người dân.

PV: Thời gian qua, Nhiều địa phương dễ dàng giao một dự án cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần có phê duyệt dự án thì xem như là đất đấy là của mình rồi và doanh nghiệp thực hiện các thỏa thuận này trên “đầu” người dân?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Chuyện cũ là như vậy. Nhưng bây giờ không thể làm thế được. Xu hướng tới đây là Nhà nước trực tiếp thu hồi đất và nhà đầu tư đấy chỉ là đầu tư thứ cấp, anh ta không có quyền như thời gian vừa qua nữa. Vừa rồi, lợi nhuận các nhà đầu tư thu được ghê gớm. Thứ nữa, khi thu hồi đất của dân mình phải khắc phục tình trạng tùy tiện thì mới có tình trạng hiện nay đất để hoang. Nhà nước không thể dùng quyền của mình muốn thu hồi thì thu. Quyền lợi của người có đất phải được pháp luật tôn trọng, được thể hiện trong các Luật.

PV: Có đại biểu cho rằng, luật này chưa giải quyết được các vấn đề của đất đai hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Chúng tôi nói điều này thì hơi chủ quan. Bộ Tài nguyên - Môi trường và một số cơ quan khác đã có quá trình tổng kết Luật đất đai và các văn bản liên quan… Việc chuẩn bị đã mấy năm nay rồi. Nhưng tất  nhiên bị khống chế nhiều vấn đề. Ví dụ, có ý kiến cho rằng, bây giờ chỉ cần tư nhân hóa đất đai hoặc áp dụng ngay giá thị trường thì mọi vấn đề sẽ xong hết cả. Nhưng nói như vậy cũng không phải đơn giản như vậy.

Chúng tôi vừa tổ chức một đoàn đi khảo sát ở Thái Lan. Hiện nay, 70% đất của họ là đất công và có 3% của tư nhân (đất ở), còn đất nông nghiệp cũng là đất công. Nhà nước giao cho người dân, mỗi người không quá 2,4ha, không được phép chuyển nhượng. Quyền của chúng ta có khi mở quá lớn. Vừa rồi chúng ta nói nhiều đất của đồng bào dân tộc. Tại sao bà con cứ bán đi. Trong điều kiện rừng núi như vậy, đất sản xuất nông nghiệp rất ít thì luật có thể có điều khoản qui định đất này không được chuyển nhượng.

Hoặc hệ thống quản lý của Thái Lan là theo hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương, có cục quản lý đất đai. Tổ chức định giá cũng theo hệ thống ngành dọc. Chúng ta hiện nay đang chia cắt quá nhiều. Nhiều người có quyền quá (từ tỉnh đến xã).

PV: Bộ trưởng có thể khẳng định, luật mới ra đời sẽ bịt được kẽ hở tham nhũng đất đai?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Những vấn đề đặt ra hiện nay cũng cơ bản nhằm khắc phục nhưng sơ hở trong quản lý.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai
Đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai

(VOV) - VOV giới thiệu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai

Đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai

(VOV) - VOV giới thiệu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Luật Đất đai sửa đổi thu hẹp đối tượng được giao đất
Luật Đất đai sửa đổi thu hẹp đối tượng được giao đất

(VOV) -Tờ trình của Chính phủ cho biết đa số ý kiến cho rằng cần tiến tới xóa bỏ bao cấp trong sử dụng đất.

Luật Đất đai sửa đổi thu hẹp đối tượng được giao đất

Luật Đất đai sửa đổi thu hẹp đối tượng được giao đất

(VOV) -Tờ trình của Chính phủ cho biết đa số ý kiến cho rằng cần tiến tới xóa bỏ bao cấp trong sử dụng đất.

Chấn chỉnh hoạt động quản lý hành chính về đất đai
Chấn chỉnh hoạt động quản lý hành chính về đất đai

(VOV) - Nhiều sai sót trong quản lý hành chính về đất đai cần được nhanh chóng chấn chỉnh, hoàn thiện.

Chấn chỉnh hoạt động quản lý hành chính về đất đai

Chấn chỉnh hoạt động quản lý hành chính về đất đai

(VOV) - Nhiều sai sót trong quản lý hành chính về đất đai cần được nhanh chóng chấn chỉnh, hoàn thiện.

Quốc hội thảo luận Dự án Luật đất đai (sửa đổi)
Quốc hội thảo luận Dự án Luật đất đai (sửa đổi)

(VOV) - Theo nhiều đại biểu, Dự án Luật cần hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và diện tích rừng.

Quốc hội thảo luận Dự án Luật đất đai (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận Dự án Luật đất đai (sửa đổi)

(VOV) - Theo nhiều đại biểu, Dự án Luật cần hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và diện tích rừng.