Dự toán chi năm 2014 tăng 2,9% là chưa triệt để tiết kiệm
VOV.VN -Chính phủ đề nghị tăng chi so với dự toán 2013 là chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu.
Hôm nay (2/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014.
Theo đó, Chính phủ đề nghị dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng, tăng 7,9% so với ước thực hiện năm 2013; dự toán chi ngân sách năm 2014 tăng 2,9%.
Bên lề kỳ họp và trong các thảo luận, con số thu ngân sách được nhiều đại biểu nhất trí song đề nghị Chính phủ rà soát và dự báo sát hơn dự toán thu NSNN trên cơ sở tính toán, xác định rõ thêm một số vấn đề liên quan đến thu nội địa, thu từ dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu…
Về chi ngân sách, Ủy ban TCNS cho rằng, trong giai đoạn khó khăn khi tốc độ tăng thu giảm, bội chi NSNN đã cao hơn kế hoạch, dư nợ công tăng nhanh, nhiều khoản nợ của NSNN chưa được xử lý nhưng dự toán chi NSNN theo đề nghị của Chính phủ vẫn tăng 2,9% so với dự toán năm 2013 là chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay.
Một vấn đề nữa là việc cân đối các khoản chi cũng cần được Chính phủ xem xét kỹ. Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, thu ngân sách nhà nước không đủ chi, trong khi cơ cấu chi thường xuyên chiếm đến gần 70% trong tổng chi ngân sách nhà nước. Nhiều năm qua và dự báo sắp tới tăng trưởng kinh tế khó đạt được kế hoạch đề ra, sẽ là áp lực cho bội chi ngân sách nhà nước, đi theo đó là nợ công sẽ tăng lên. “Nhưng với yêu cầu chi cho đầu tư phát triển, tạo động lực cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, tôi đồng ý với Tờ trình của Chính phủ về phát hành bổ sung vào phương án chuyển nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, rà soát chặt chẽ hơn nữa để phân bổ sử dụng vốn đầu tư cho những vùng có tiềm năng tăng trưởng kinh tế”.
Theo Ủy ban TCNS, về chi thường xuyên, đề nghị mức dự toán chi giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, sự nghiệp môi trường, phải bảo đảm bố trí theo các tỷ lệ tương ứng 20%, 2%, 1% trên tổng chi NSNN, lĩnh vực y tế phải cao hơn mức tăng chi NSNN như quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội; xây dựng dự toán chi thường xuyên cho các lĩnh vực an sinh xã hội bằng với mức dự toán năm 2013, không ban hành chính sách chi an sinh xã hội mới khi chưa thể cân đối được nguồn thực hiện; tiết kiệm chi tiêu, giảm tối đa chi hội nghị, khánh tiết, không bố trí mua xe công, hạn chế bố trí kinh phí chi đoàn ra… Đồng thời, cần rà soát tinh giảm biên chế khu vực hành chính, sự nghiệp theo hướng không tăng biên chế (trừ biên chế thật cần thiết cho giáo dục, y tế), làm tăng gánh nặng cho NSNN, siết chặt kỷ luật tài chính trong quản lý chi tiêu.
Trong điều kiện khó khăn, buộc phải giảm chi đầu tư phát triển còn 163.000 tỷ đồng, thấp hơn mức dự kiến bội chi (224.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mức dự toán trên là thấp so với dự toán năm 2013 (175.000 tỷ đồng) và số ước thực hiện (201.555 tỷ đồng). Với việc giảm vốn đầu tư từ NSNN nêu trên sẽ gây tác động rất lớn, khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra, do đó, cần bố trí ít nhất bằng dự toán của năm 2013 là 175.000 tỷ đồng.
Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, một số chương trình không hiệu quả, nên lồng ghép với các chương trình khác hoặc xóa bỏ. Chính phủ cũng đề nghị giảm chi cho một số chương trình để phân bổ kinh phí tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, với yêu cầu giữ danh mục 16 chương trình MTQG nhưng thu gọn mục tiêu, giảm chi sự nghiệp.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị ưu tiên cho các lĩnh vực trọng tâm như: xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, lao động và việc làm, một số chương trình có cam kết quốc tế như chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một điểm đáng chú ý nữa, Chính phủ đề nghị năm 2014 bội chi ở mức 5,3% GDP (tương ứng 224.000 tỷ đồng). Ủy ban TCNS cho rằng, tỷ lệ bội chi này mặc dù chưa phù hợp với lộ trình giảm dần bội chi đã được Quốc hội quyết định, song trong bối cảnh khai thác nguồn thu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu chi vẫn ở mức cao; chi đầu tư phát triển năm 2014 đã phải bố trí giảm so với dự toán năm 2013 thì năm 2014 chưa thể giảm mức bội chi ngân sách theo lộ trình. “Để bảo đảm cân đối, bố trí vốn NSNN đáp ứng các nhiệm vụ chi, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị Quốc hội cho phép bội chi NSNN năm 2014 là 5,3%GDP và không chỉ dành cho chi đầu tư phát triển như quy định của Luật NSNN mà cần dành một phần chi trả nợ”- UBTCNS nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xem xét nâng mức bội chi cao hơn mức Chính phủ trình để bảo đảm bố trí đủ nguồn trả các khoản nợ của các năm trước và phản ánh đủ khoản đảo nợ.
Theo báo cáo của Chính phủ, mức bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ không vượt quá trần nợ công đến năm 2015 là 65%GDP. Tuy nhiên, Ủy ban TCNS nhận thấy, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đang có xu hướng tăng cao. Càng gần tới năm 2015 thì sức ép về thời hạn và cường độ trả nợ càng cao. Đề nghị Chính phủ có kế hoạch và giải pháp cụ thể bảo đảm chủ động trả nợ và báo cáo Quốc hội rõ hơn về vấn đề nợ công.
Nêu quan điểm về các con số mà Chính phủ đưa ra, đặc biệt là việc nâng bội chi, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng: Số tiền này phải được thể hiện cụ thể là bao nhiêu bằng những con số tuyệt đối chứ không chỉ căn cứ vào những chỉ số như 5,3% GDP, mức bội chi ngân sách hay 65% GDP giới hạn trần công nợ, phát hành trái phiếu Chính phủ, cần làm rõ cơ sở khoa học và khả thi của những chỉ số này. “Chính phủ phải cam kết trách nhiệm về hiệu quả của việc sử dụng khoản ngân sách phát sinh này” – đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh./.