Dự trữ ngoại hối cao kỷ lục: Mừng hay lo?
Ngân hàng Nhà nước cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào cuối tháng 4 lên tới 35 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Thông tin này dường như đang được nhiều người đón nhận một cách hồ hởi. Tuy nhiên, liệu rằng dự trữ ngoại hối tăng mạnh như vậy nên mừng hay lo?
Mặt tích cực được nhiều người nhận thấy là với dự trữ ngoại hối cao như vậy thì tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Trên thực tế, trong suốt gần ba năm qua tỷ giá luôn duy trì ở mức ổn định. Cũng trong khoảng thời gian này tình trạng USD hóa nền kinh tế cũng giảm rất mạnh. Người dân không còn đầu cơ, găm giữ ngoại tệ như trước. Dư nợ tiền gửi và cho vay bằng ngoại hối tại các ngân hàng cũng đã giảm rất mạnh. Với mức dự trữ ngoại tệ này, NHNN càng có thêm “sức mạnh” để có thể giữ tỷ giá ổn định.
Trước đây, một số tổ chức đã ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam cuối tháng 3-2013 lên tới 40 tỉ USD, khi NHNN cho biết ba tháng đầu năm 2014 đã mua thêm 7,7 tỉ USD.
Như vậy, việc NHNN công bố trong bốn tháng đầu năm mua thêm được 10 tỉ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên 35 tỉ USD Mỹ thì tương đối khác.
Giả sử con số trên là đúng thì mức dự trữ ngoại hối 35 tỉ USD Mỹ sẽ tương đương với 12 tuần nhập khẩu. Đây là mức không phải là cao so với mức khuyến cáo an toàn khoảng 20 tuần nhập khẩu. Con số này cũng tương đương với khoảng 20% GDP Việt Nam, một mức thấp hơn nhiều so với tỷ lệ dự trữ của Trung Quốc, Thái Lan lên đến gần 50% GDP hay trung bình của nhiều quốc gia khác.
Bỏ qua những mâu thuẫn và so sánh ở trên thì việc dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng vọt cũng chưa hẳn là một dấu hiệu đáng mừng. Nguyên nhân tăng dự trữ ngoại hối chủ yếu do nhập siêu và tình trạng USD hóa giảm mạnh. Việc tăng dự trữ ngoại hối không xuất phát từ việc dòng vốn đầu tư gián tiếp, trực tiếp và kiều hối vào Việt Nam lớn như năm 2006 và 2007.
Trong khi đó, nhập siêu giảm mạnh là một dấu hiệu đáng quan tâm. Đối với một nền kinh tế như Việt Nam việc nhập siêu ở mức độ vừa phải là cần thiết để phục vụ quá trình phát triển của nền kinh tế. Cán cân thương mại đổi chiều trong ba năm qua từ mức nhập siêu lớn sang xuất siêu. Tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế suy giảm từ mức trên 40%, xuống còn quanh mức 30% GDP cho thấy quá trình hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu.
Sự suy yếu của nền kinh tế không chỉ thể hiện qua con số GDP mà thể hiện ngay trên thị trường tài chính. Lãi suất hiện nay đang ở mức khá thấp và các ngân hàng tìm mọi cách đẩy vốn ra thị trường nhưng tín dụng trong bốn tháng đầu năm mới chỉ tăng chưa đến 1%. Hiện nay, ngân hàng “co cụm” không dám cho vay vì sợ rủi ro, còn doanh nghiệp thì cũng không tìm được dự án khả thi để vay vốn đầu tư.
Tóm lại, việc dự trữ ngoại hối tăng là dấu hiệu cho thấy tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Tuy nhiên, từ nguyên nhân của việc dự trữ ngoại hối tăng lại phản ánh những khía cạnh không mấy tích cực của nền kinh tế. Dấu hiệu này cho thấy nền kinh tế suy yếu, hấp thụ vốn kém, tăng trưởng tín dụng chậm và đầu tư trong nền kinh tế cũng suy giảm./.