Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 6 năm
VOV.VN - Số liệu thống kê do Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc công bố mới đây cho thấy, dự trữ ngoại hối của nước này đã đạt mức cao nhất trong vòng 6 năm qua.
Theo đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt 3.250 tỷ USD vào cuối tháng 12/2021, tăng 33,6 tỷ USD so với năm trước. Cũng tính đến cuối tháng 12/2021, dự trữ vàng của Trung Quốc là 62,64 triệu ounce, tương đương với cuối tháng 12/2020.
Quan chức nước này cho biết, việc định giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng tiếp tục là nhân tố chính dẫn đến sự gia tăng dự trữ ngoại hối trong năm 2021.
Theo bà Vương Xuân Anh, người phát ngôn Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 thời gian gần đây, kỳ vọng về sự thay đổi chính sách tiền tệ ở một số quốc gia chủ chốt và chỉ số USD giảm, đã gây ra “sự gia tăng định giá” của các đồng tiền không phải USD và đẩy dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng lên.
Thực tế thời gian gần đây cho thấy, Trung Quốc đang bước vào thời kỳ kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhưng đồng nhân dân tệ của nước này lại ghi nhận đà tăng mạnh.
Đồng tiền này đã kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12/2021 ở mức 6,3404 CNY/USD, cao nhất kể từ cuối tháng 5/2018. Đồng tiền này đã tăng hơn 8% trong năm 2021 và tăng giá trung bình 2,6% so với USD, mức cao nhất trong 3 năm, do xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, thặng dư thương mại ngày càng tăng và dòng vốn đầu tư chảy vào duy trì ổn định trong bối cảnh thanh khoản tiền USD trên thị trường nội địa dồi dào. Các chuyên gia dự báo, đà tăng này có thể sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2022.
Ông Ôn Bân, nghiên cứu viên trưởng của Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, chính sách vĩ mô của Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung duy trì ổn định, tăng cường nỗ lực hỗ trợ mở rộng nhu cầu trong nước, ổn định nhu cầu bên ngoài và giữ cho nền kinh tế vận hành trong phạm vi hợp lý.
Ông cảnh báo cần đề phòng sự xoay chuyển chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ổn định kỳ vọng tỷ giá hối đoái, thúc đẩy biến động hai chiều cả lên và xuống của tỷ giá nhân dân tệ ở mức cân bằng và hợp lý, nhằm mang lại một môi trường tài chính an toàn và ổn định cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc./.