Dự trữ ngoại hối tăng mạnh lên mức kỷ lục 68 tỷ USD
VOV.VN - Các dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam hàng năm đã góp phần tạo kỷ lục mới trong tích lũy dự trữ ngoại hối ở mức 68 tỷ USD vào cuối tháng 6/2019.
Báo cáo kinh tế vĩ mô của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM vừa được công bố mới đây cho thấy, các dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam hàng năm là nguồn cung quan trọng trong tích lũy dự trữ ngoại hối, góp phần tạo kỷ lục mới ở mức 68 tỷ USD vào cuối tháng 6/2019. Lượng dự trữ này tương đương khoảng 13,4 tuần nhập khẩu.
Dự trữ ngoại hối tăng mạnh nhưng tăng trưởng cung tiền và tín dụng vẫn được kiểm soát cho thấy, Ngân hàng nhà nước đã điều hành ổn định tỷ giá. So với cuối tháng 12/2018, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng chỉ ở mức 6,54% và 7,33%. Do đó áp lực lạm phát đã không xuất hiện, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục 68 tỷ USD. (Ảnh minh họa: KT) |
Mặc dù vậy, báo cáo cũng dự báo các thách thức trong thời gian tới mà Việt Nam phải đối mặt, đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang căng thẳng và diễn biến khó lường, điều này đã tác động mạnh đến các hoạt động kinh tế toàn cầu.
Hoạt động xuất khẩu Việt Nam ngay lập tức hứng chịu cú sốc này, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ còn 7,3%, thấp hơn nhiều so với con số 17,8% đạt được ở tháng 6/2018. Hệ quả là thâm hụt thương mại đã quay trở lại ở mức 37 triệu USD trong khi một năm trước đó thặng dư cao ở mức 4,12 tỉ USD.
Cú sốc này đã phần nào bộc lộ rõ điểm yếu của nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực kinh tế nước ngoài. Sau 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 10,8% không đủ để kéo tăng trưởng xuất khẩu toàn nền kinh tế do xuất khẩu khu vực FDI chỉ tăng 5,9%. Đáng nói hơn, thặng dư thương mại từ khu vực FDI đã đóng vai trò quan trọng để bù đắp thâm hụt thương mại từ khu vực kinh tế trong nước trong nhiều năm qua./.
Triển khai các giải pháp quản lý ngoại hối và thị trường ngoại tệ