Đưa đặc sản lên sàn thương mại điện tử - hướng phát triển bền vững của Gia Lai
VOV.VN - Nhiều đặc sản của Gia Lai như cà phê, hồ tiêu, mật ong đã đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế thông qua thương mại điện tử. Sự kết hợp giữa phương thức thương mại truyền thống và hiện đại đã mở ra hướng đi bền vững cho nông sản Gia Lai.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) tại Gia Lai đã tận dụng sự phát triển của công nghệ để bán hàng nông sản trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Qua đây, nhiều đặc sản của Gia Lai như cà phê, hồ tiêu, mật ong đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Sự kết hợp giữa phương thức thương mại truyền thống và hiện đại đã mở ra hướng đi bền vững cho nông sản Gia Lai.
Trên nền nhạc sôi động, ánh sáng rực rỡ và toàn bộ sân khấu được trang trí bằng hình ảnh các sản phẩm cà phê nguyên chất đặc sản phố núi Pleiku, các nhân viên của Công ty TNHH BaKa (Pleiku, Gia Lai) rộn ràng giới thiệu sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc công ty cho biết, hoạt động này đã tổ chức mỗi ngày trong suốt gần 2 năm nay. Đây cũng là bước ngoặt giúp DN giới thiệu và đưa đặc sản Gia Lai đến tay người tiêu dùng trên khắp cả nước. Chỉ trong thời gian ngắn, gian hàng của DN đã thu hút hàng nghìn người theo dõi, được đánh giá trên 4,2 sao.
Bà Nguyễn Thị Thanh cũng cho biết, cùng với mở rộng thị trường, DN còn tối ưu quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì và chú trọng dịch vụ hậu mãi.
“Hàng đêm, DN có 2 bạn livestream từ 19 - 22 giờ. Mỗi phiên live đều được chuẩn bị kỹ lưỡng về ánh sáng, micro, kịch bản. Sàn TMĐT thấy mình làm việc chăm chỉ, họ hỗ trợ bằng các voucher miễn phí vận chuyển để khách hàng mua hàng ngay khi đang live. Hiện nay, các gian hàng của BaKa trên sàn TMĐT đều đạt đánh giá từ 4,5 - 4,9 sao, nên DN tin rằng làm việc nghiêm túc sẽ thu được kết quả tốt”, bà Thanh phấn khởi.
Cùng với cà phê, hiện rất nhiều mặt hàng đặc sản của Gia Lai như mật ong, hồ tiêu, hạt điều đã lên sàn TMĐT, với tỷ trọng doanh thu tăng đều trên 8% mỗi năm. Trong chương trình chuyển đổi số, Gia Lai đã hỗ trợ DN xây dựng 255 website TMĐT để định danh thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và kinh doanh trên nền tảng số. Ngoài ra, hơn 90 tài khoản bán hàng trực tuyến đã được thiết lập cho 30 DN uy tín.
“TMĐT là kênh bán hàng tốt cho tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Hội sẽ giúp hội viên ở Gia Lai mỗi tháng mời các KOL, KOC, tiktoker để bán hàng, hỗ trợ DN đẩy mạnh doanh thu”, ông Phan Thanh Thiên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai thông tin.
Những năm qua, ngành Công Thương Gia Lai đã tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các DN, HTX và nông dân trong việc ứng dụng TMĐT. Mới đây, Sở Công Thương Gia Lai phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân trẻ Gia Lai và một sàn TMĐT tổ chức 2 phiên bán hàng megalive (phiên bán hàng trực tuyến quy mô lớn). Đáng chú ý, tại các phiên này, Giám đốc Sở Công Thương đã trực tiếp tương tác với người mua cùng đại diện nhãn hàng. Kết quả, 12.700 đơn hàng đã được bán với tổng giá trị đạt 1,8 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai, TMĐT ở tỉnh vẫn trong giai đoạn khởi đầu. Hiện mới có 40% trong tổng số 5.000 DN tại tỉnh có website TMĐT. Nhưng kết quả các phiên bán hàng trực tuyến vừa qua cho thấy, nông sản Gia Lai có tiềm năng mang lại doanh thu lớn trên các sàn TMĐT.
“Hai phiên livestream vừa qua cho thấy sự quan tâm rất lớn của khách hàng. Điều này chứng minh rằng, lĩnh vực TMĐT dù còn mới mẻ, vẫn có tiềm năng lớn tại Gia Lai. Sở sẽ kết hợp với TikTok và Shopee để xây dựng các ngày bán hàng, tuần lễ bán hàng megalive theo chủ đề riêng về nông sản đặc sản Gia Lai. Hiện nay, Sở Công Thương đang đề xuất cùng Bộ Công Thương xây dựng điểm hỗ trợ TMĐT, trở thành nơi kết nối DN tại Gia Lai”, ông Binh cho hay.
TMĐT đang trở thành cầu nối quan trọng, đưa nông sản Gia Lai vươn xa từ thị trường nội địa đến xuất khẩu toàn cầu. Nhờ linh hoạt và tận dụng lợi thế của TMĐT và ngược lại, những phản hồi của khách hàng cũng góp phần giúp DN và nông dân ngày càng chăm chút hơn cho sản phẩm của mình. Đây là khởi đầu đầy triển vọng cho một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững tại địa phương.