Kích cầu tiêu dùng nông thôn

Đưa hàng gì về nông thôn?

Thị trường nông thôn chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Kích cầu tiêu dùng nông thôn sẽ tăng lượng hàng hóa tiêu thụ, giúp giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Vấn đề đặt ra là, đưa hàng về nông thôn như thế nào, đưa những mặt hàng gì, chất lượng, giá cả ra sao?

Giảm giá, khách hàng đông
Mới đây, loạt ra quân đầu tiên đưa hàng về nông thôn được Trung tâm tư vấn BSA tổ chức với nhiều xe hàng Việt Nam chất lượng về 3 huyện của tỉnh An Giang là Long Xuyên, Vĩnh Bình và Châu Thành. Việc tổ chức bán hàng thực hiện thông qua các phiên chợ Hàng Việt về nông thôn. Ngoài các hàng hóa như thuốc, hóa mỹ phẩm, các hàng lương thực, thực phẩm, các sản phẩm gia dụng, dịch vụ ngân hàng cũng được đưa về phục vụ người dân. Đây đều là các hàng hóa chính hãng của doanh nghiệp (DN), do nhân viên của DN giới thiệu và bán. Nhiều loại hàng hóa được giảm giá khuyến mãi, nên đã khuyến khích người dân đi mua hàng rất đông, thậm chí có cả những hóa đơn thanh toán hàng hóa dịch vụ lên đến tiền triệu. “Mình mua dầu ăn, nước xả, nước tắm, cà phê, hạt nêm, xà bông, kem đánh răng. Hàng ở đây rẻ hơn trong chợ, nên mình ra mua” - chị Nguyễn Thị Hồng Loan, nhà tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang hào hứng cho biết.

Một điểm rất cần các DN lưu ý là, chưa hẳn những sản phẩm có tiếng đã được người dân ưa chuộng. Cùng là một loại sản phẩm, nhiều người dân nông thôn chọn những mặt hàng rẻ hơn chỉ 500 đồng để mua. Hay chỉ cần gói hàng có trọng lượng to hơn một chút, cũng được người dân ưa thích.

Hình thức đưa hàng về nông thôn lần này rất mới với An Giang và nhiều địa phương nên thu hút được người dân. Cũng qua thực tế đợt bán hàng này, nhiều DN giật mình bởi những sản phẩm của DN chưa được người dân biết đến, cho dù đã khá quen thuộc với người tiêu dùng thành phố. Điều này cho thấy, mạng lưới phân phối cũng như việc quảng bá sản phẩm của DN còn yếu. Bà Đỗ Thị Giàu, Bí thư Huyện ủy huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đánh giá: “Từ trước đến nay, chưa có DN nào đi bán hàng lưu động ở nông thôn. Nhân hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao ở An Giang, Ban tổ chức hội chợ có ý định đi xuống nông thôn, khảo sát một số huyện. Huyện Châu Thành giới thiệu địa điểm chợ Vĩnh Bình là trung tâm của 6 xã, để dân ở đây sắp xếp công việc khi chưa vào mùa đông xuân có thể đi mua sắm theo khả năng, đồng thời biết được hàng chất lượng cao là hàng nào, để khi cần thiết, người ta đến chợ mua các mặt hàng đó”.

Sau khi khảo sát nhanh 550 tiểu thương tại chợ Vĩnh Bình, ngay sát phiên chợ Hàng Việt, cho thấy, tỷ lệ hàng hóa của DN trong nước tại chợ này ít. Điều này càng khẳng định thêm rằng, nhiều DN chưa thực sự coi trọng thị trường trong nước.

Không dễ đưa hàng về nông thôn

Vài tháng nay, Công ty TNHH Cơ khí Thủy Đức Thịnh - Hải Phòng nghiên cứu đưa một loại sản phẩm mới về nông thôn, đó là chế tạo các bồn, bể biogas bằng vật liệu sợi thủy tinh thay cho các hố biogas xây bằng gạch và xi măng hiện nay. Thế nhưng, vấn đề khó đặt ra là, người nông dân có tin tưởng đón nhận hay không? Ngân hàng có hỗ trợ nông dân vốn để mua sản phẩm mới hay không? “Với việc thay thế công nghệ cũ bằng bê tông sang nhựa thủy tinh, sản phẩm rất dễ sử dụng, kiểm tra và chi phí rẻ, nhưng thu nhập và trình độ của người nông dân thấp, nếu không quan tâm đúng mực thì sản phẩm này rất khó đưa về nông thôn” - ông Nguyễn Trung Kiên, Phó giám đốc kinh doanh công ty nói.

Thực tế trên đặt ra một dấu hỏi lớn cho DN là đưa mặt hàng nào về thị trường nông thôn? Chắc chắn không thể đưa những hàng cao cấp xuất khẩu. Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại HN, cho rằng: “Một nhóm sản phẩm đang sản xuất rồi mà chuyển sang một chủng loại sản phẩm mới, phẩm cấp mới với một giá thành phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và khả năng kinh tế của khu vực nông thôn thì các đơn vị sản xuất, thương mại sẽ tốn không ít thời gian và chi phí. Tuy nhiên, đây là hướng đi phải làm, nếu không sẽ bỏ lỡ thị trường rộng lớn này”.

Ông Phí Ngọc Trịnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần May Hồ Gươm lại nêu một khó khăn khác. Suốt từ khi thành lập đến nay, công ty này không có chiến lược với thị trường nội địa, doanh thu nội chỉ bằng 5% tổng doanh thu của công ty. Bây giờ, nếu quay trở về thị trường nông thôn lại lo không cạnh tranh được các thương hiệu đã quen thuộc với thị trường này. Ông Trịnh phân tích: “Chiếm lĩnh thị trường nội địa rất khó chứ không phải đơn giản. Do đó, phải tìm một thị trường ngách để đầu tư. Hiện chúng tôi hướng tới thời trang nữ giới và hàng trẻ em cho thị trường nội địa”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên