Đưa logistics tới chuyên nghiệp
Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện chiếm từ 15-20% GDP. Đây là một khoản tiền rất lớn.
Nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất trong logistics là vận tải, chiếm từ 40-60% chi phí thì cũng đã là một thị trường dịch vụ khổng lồ.
Theo ông Lê Triệu Dũng- Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), Logistics không chỉ là ngành đem lại nguồn lợi khổng lồ mà còn có vai trò to lớn, liên quan mật thiết tới sự cạnh tranh sống còn của doanh nghiệp; giải quyết bài toán đầu vào và đầu ra một cách có hiệu quả của doanh nghiệp. Logistics có thể thay đổi nguồn tài nguyên đầu vào hoặc tối ưu hóa quá trình chu chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ… giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hiện đối với các doanh nghiệp Việt Nam, chi phí cho giao nhận kho vận còn chiếm tới 20% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển chỉ vào khoảng 8-12%. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp nước ngoài vốn đã rất mạnh.
Ấy vậy mà còn nhiều chi phí trong suốt chuỗi... như hải quan, thuế, giao nhận, bến bãi không tính xuể. Đã đến lúc cần có sự cải cách mạnh mẽ để cho ngành logistics giải phóng hết tiềm năng để phát triển.
- Theo ESCAP, khái niệm logistics là quá trình tối ưu hóa về vị trí, lưu trữ và bao gồm cả vận chuyển các tài nguyên - yếu tố đầu vào và đầu ra từ nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà phân phối và đến tay người tiêu dùng cuối cùng thông qua hàng loạt các hoạt động kinh tế.
Theo ông Massimiliano Guelfo, Giám đốc Điều hành Piaggio Việt Nam và Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, những hạn chế trong việc thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm đầu tư để phân phối sản phẩm ở châu Á chính là “sự không nhất quán trong việc áp dụng pháp luật”. Đó là, sự bất nhất trong việc áp dụng trị giá tính thuế khác nhau từ giá trị hóa đơn (giá chuyển nhượng); Áp dụng thuế theo phí cảng đến; Áp dụng hoàn thuế gián tiếp không dễ dàng đưa vào thực tế. Hải quan Việt Nam vẫn yêu cầu nộp các tài liệu ban đầu như hợp đồng, hóa đơn… trong khi các nước khác yêu cầu các tài liệu có chữ ký kỹ thuật số. Cán bộ Hải quan đôi khi cần cung cấp các lối tắt để giải quyết vấn đề trong trường hợp doanh nghiệp cần thông quan khẩn trương. Các quy định, hướng dẫn để áp dụng pháp luật hải quan cần phải được đơn giản hóa.
- Dịch vụ logistics, theo Luật Thương mại của Việt Nam là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
Ông Sunny Chia, Giám đốc Ban Dịch vụ thương mại Quốc tế, UPS khu vực Châu Á Thái Bình Dương (Công ty dịch vụ chuỗi cung ứng vận chuyển) thông tin, Bản Sáng kiến Kết nối Chuỗi Cung ứng APEC đã chỉ ra rõ một trong các nút thắt tại biên giới cản trở quá trình thông quan đó là: Hoạt động thông quan hàng hóa tại Hải quan kém hiệu quả; Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan biên giới, đặc biệt trong việc thông quan các hàng hóa được quy định thông quan “tại biên giới”; Thủ tục giấy tờ hải quan rườm rà, phiền toái (đối với thương mại ưu đãi).
Mặc dù, Chính phủ Việt Nam đã tích cực thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, song vẫn tồn tại một số vấn đề làm hạn chế phát triển thương mại. Cơ chế giải quyết thủ tục hải quan vẫn còn chậm và không thể dự đoán trước. Cơ chế này tập trung vào kiểm soát tất cả các lô hàng thay vì thiết lập một hệ thống tạo điều kiện cho thương mại và thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân.
Ông Sunny Chia khẳng định: Hải quan hoạt động tốt có tiềm năng để tăng thu ngân sách, thúc đẩy thương mại và tăng uy tín cho các cơ quan chính phủ. Cơ quan hải quan cũng là một chỉ số về môi trường đầu tư ở một đất nước và cải thiện hệ thống hải quan là yếu tố góp phần thu hút cả đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.
Thời công nghệ số, các doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi dịch vụ kết nối nhanh và tin cậy với thị trường và chuỗi cung ứng quốc tế. Đặc biệt là quá trình vận chuyển và giao hàng gồm: vận chuyển hàng hóa và dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp dịch vụ đến khách hàng; Giải pháp trọn vẹn, dịch vụ kịp thời, thông tin giao hàng chính xác, an ninh.
Ông Lê Triệu Dũng khẳng định, các biện pháp thuận lợi hóa thương mại phấn đấu tới năm 2013, sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ Logistics ASEAN thông qua thuận lợi hóa thương mại (bao gồm đơn giản hóa chứng từ) và logistics (vận tải; Thuận lợi hóa Thương mại và Hải quan; Thuận lợi hóa Logistics; Tăng cường năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ ASEAN Phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường cơ sở hạ tầng và đầu tư cho vận tải đa phương thức.
Đồng thời, lộ trình Việt Nam hội nhập khu vực Logistics ASEAN với các biện pháp Tự do hóa logistics về: Vận tải đường biển; Các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển (xếp dỡ container, thông quan, các cảng container); Các dịch vụ hỗ trợ tất cả các phương thức vận tải. Đồng thời sẽ tập trung thuận lợi hóa thương mại và hải quan (cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực).
Ông Dũng thông tin thêm về Lộ trình ASEAN về hội nhập dịch vụ Logistics. Cụ thể, với mục tiêu, củng cố hội nhập kinh tế ASEAN thông qua các biện pháp tự do hóa và thuận lợi hóa trong dịch vụ logistics và tạo ra môi trường tích hợp cho logistics tại ASEAN. Với các biện pháp như: Tự do hóa dịch vụ logistics, tăng cường năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ logistics ASEAN thông qua thuận lợi hóa thương mại và thuận lợi hóa dịch vụ logistics; mở rộng năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ logistics ASEAN, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường các cơ sở hạ tầng và đầu tư cho vận tải đa phương. Trong phạm vi các hoạt động logistics đường biển và liên quan. Được biết, Việt Nam là nước điều phối của ASEAN về dịch vụ Logistics./.