Dừng dự án điện hạt nhân: Nhiều người ủng hộ, có cả nhà khoa học
VOV.VN - Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Việc dừng dự án điện hạt nhân được nhiều người ủng hộ trong có cả nhà khoa học nữa.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội trả lời phóng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 11/11 về việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tôi cho rằng việc dừng dự án điện hạt nhân là rất phù hợp. Bà con tại vùng dự kiến triển khai dự án hoan nghênh và tinh thần phấn khởi. Chúng tôi thấy bà con rất vui vẻ, vùng đất này bà con có thể làm du lịch, có thể sử dụng để làm điện mặt trời, điện gió và đất đai vẫn thế. Dự án này dừng được nhiều người ủng hộ trong có cả nhà khoa học nữa.
PV: Có bài học nào đằng sau câu chuyện dừng nhà máy điện hạt nhân hay không thưa ông?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tại thời điểm đó, Quốc hội bàn đưa vấn đề này ra rất tốt, đã tính toán tất cả về thông số kỹ thuật, liên quan đến giá thành và làm điện hạt nhân phải rẻ mới đúng.
Nhưng vì do thảm họa nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản Fukushima đổ vỡ, buộc chúng ta phải nhìn lại yêu cầu thiết kế phải cao hơn, không để lặp lại sự cố như thế. Đấy là bài học cần rút kinh nghiệm.
Tôi cho rằng rất may là có bài học của nhà máy Fukushima đã giúp chúng ta nhìn lại độ an toàn, hệ số an toàn phải cao hơn và an toàn tuyệt đối để không xảy ra sự cố tương tự như thế đối với nước ta.
Nếu mà thảm họa như thế đối với chúng ta thì hậu quả vô cùng lớn. Vì thế, chúng ta phải tính toán lại, cân đối lại và rất may Việt Nam chưa triển khai. Nó mới chỉ là bước đầu thôi.
Sau vụ điện hạt nhân của Nhật Bản Fukushima, chúng ta thấy rằng liên quan đến điện hạt nhân phải an toàn tuyệt đối.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, chúng ta đầu tư dự án với thiết kế an toàn hơn và công nghệ cao hơn. Như vậy, nó sẽ đẩy giá trị đầu tư cao hơn so với ban đầu.
Từ việc đề xuất đầu tư cao hơn sẽ làm cho giá thành điện năng cao hơn, thậm chí là gấp đôi so với giá các năng lượng khác như năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
PV: Việc giải quyết hệ lụy của việc dừng dự án này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Chúng ta chưa làm gì lớn cả. Chúng ta mới chỉ là trao đổi và bàn bạc thôi, thậm chí, chúng ta còn chưa chọn nhà thầu nào nên chưa có gì lớn.
PV: Đây có phải lần đầu tiên Quốc hội dừng một dự án lớn mới chỉ đang ở giai đoạn bước đầu hay không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đây không phải là lần đầu tiên QH dừng dự án lớn như thế mà đã nhiều lần rồi. Dự án này chưa đầu tư nên chúng ta dừng lại là kịp thời.
Khi triển khai một dự án không hiệu quả chúng ta phải dừng lại ngay. Đấy là bài học rất đúng.
PV: Vậy việc đào tạo nhân lực cho dự án bây giờ sẽ giải quyết như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Vấn đề đó không cần phải lo lắng vì chúng ta có thể dùng nhiều vào việc khác. Chúng ta sẽ có một đề án cụ thể về vấn đề này và giao cho bên EVN. Nhân lực không chỉ dành riêng cho nhà máy điện hạt nhân mà còn dành cho nhiều lĩnh vực khác nữa.
Ở trình độ đó, các anh em có thể làm ở những việc khác nữa. Việc xử lý vấn đề này không có vấn đề gì lớn.
PV: Xin cảm ơn ông./.
“Chính phủ đề xuất dừng dự án điện hạt nhân là dũng cảm”