Dừng hoạt động xe chở quá tải: Sợ nhất không công bằng
VOV.VN-Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa có yêu cầu kiên quyết dừng hoạt động DN cố tình vi phạm chở quá tải trọng cho phép.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, trong buổi làm việc với Sở GTVT Hà Nội, đã đề nghị Sở siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, tăng cường giám sát phương tiện đã được phép hoán cải, quản lý hoạt động đối với xe khách giường nằm.
Đặc biệt, Bộ trưởng Thăng đề nghị kiên quyết dừng hoạt động đối với DN cố tình vi phạm chở quá tải trọng cho phép và cố tình hoán cải xe, đồng thời tổ chức khám sức khỏe lái xe trên toàn địa bàn.
Nhiều xe tải quay đầu hoặc dừng lại để né trạm cân Sao Mai, thành phố Kon Tum (Ảnh: Khoa Điềm/VOV - Tây Nguyên) |
Liên quan đến vấn đề xử lý xe vi phạm chở quá tải trọng cho phép, phát biểu trên báo Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, DN sợ nhất là cơ quan chức năng làm không đến nơi đến chốn, chỗ làm chỗ không khiến doanh nghiệp chịu thiệt.
Theo ông Thanh, các doanh nghiệp chân chính đều muốn làm ăn lâu dài, ổn định. Do đó, khi Bộ GTVT và các cơ quan chức năng quyết định khởi động việc kiểm soát xe quá tải, chúng tôi rất hoan nghênh.
Ông Thanh cho biết: “Nhiều ý kiến trong Hiệp hội mong muốn được Bộ GTVT chấp thuận cho doanh nghiệp vận tải cùng đứng ra giám sát hoạt động cân xe tại tất cả các trạm cân lưu động hiện nay. Đây là hoạt động tự nguyện từ phía doanh nghiệp, để cùng với Bộ GTVT đảm bảo cho việc cân xe diễn ra trôi chảy, cùng tháo gỡ các trục trặc vướng mắc ngay tại chỗ. Tới đây, chúng tôi sẽ cùng bàn thêm về ý kiến này trước khi có đề xuất chính thức với Bộ GTVT”.
Ông Thanh còn thẳng thắn: “một bộ phận không nhỏ người làm vận tải hiện cho rằng Bộ GTVT và Chính phủ chưa chắc đã đủ quyết liệt và kiên trì triển khai kiểm soát xe quá tải được mạnh mẽ, rốt ráo và lâu dài. Do đó phản ứng của họ là nghe ngóng, chờ xem hành động những ngày tới của chính quyền, của người thừa hành công vụ ra sao, rồi chờ xem người cùng nghề phản ứng thế nào.
Phản ứng như vậy, theo tôi cũng dễ hiểu, vì chở quá tải đã diễn ra quá lâu và rộng khắp. Lợi nhuận từ chở quá tải là lớn và liên quan đến nhiều đối tượng chứ không chỉ với riêng người làm vận tải. Tình hình hiện nay là, nếu như có 10% những đối tượng cố tình chống đối và khoảng gấp 3-4 lần số đó do dự thì cũng có thể thấy rõ đây là “cuộc chiến” khá gay go”.
Theo báo cáo của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, ngày 3/4/2014, sau 3 ngày ra quân triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe trên toàn hệ thống QL, đã tiến hành kiểm tra 1952 xe, trong đó 437 xe vi phạm. Ngoài ra, sau khi Tổng Cục đường bộ trang bị đủ 63 bộ cân cho các địa phương, tính đến ngày 3-4 mới chỉ có 36 bộ đi vào hoạt động, có 17 địa phương duy trì hoạt động kiểm tra tải trọng xe liên tục 24/24g và hiện nay vẫn còn 27/63 địa phương vẫn chưa đưa bộ cân được cấp đi vào hoạt động./.