Đừng nên chờ thị trường Trung Quốc “cứu” thịt heo
Hiện thị trường Trung Quốc đang hút hàng nhưng xuất khẩu chỉ là tiểu ngạch chứ không phải chính thức.
Các chuyên gia về chăn nuôi cảnh báo không nên trông chờ vào thị trường tiểu ngạch của Trung Quốc bởi có nhiều rủi ro và không phải là hướng đi bền vững.
Giá thịt heo đã tăng nhưng vẫn chưa giúp người nuôi thoát lỗ (Ảnh minh họa: Trần Ngọc/VOV) |
Theo phân tích của Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá thịt heo hơi đã tăng lên mức 30.000 đồng/kg. Tuy vậy, mức giá trên chỉ giúp người chăn nuôi giảm lỗ chứ chưa thể hòa vốn. Muốn hòa vốn thì giá heo hơi phải đạt 37.000-38.000 đồng/kg.
Về việc giá heo hơi bán sang Trung Quốc tăng mạnh trong những ngày qua, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định việc tăng giá này có thể do phía Trung Quốc khan hàng nên đẩy mạnh thu mua. Đây cũng có thể là do việc thỏa thuận giữa chính phủ hai nước hồi tháng 5 vừa qua về việc xuất khẩu heo của Việt Nam qua Trung Quốc.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết giá heo hơi tăng như trên chỉ giúp người nuôi bớt thiệt hại chứ vẫn lỗ. Người nuôi phải hết sức cân nhắc khi giữ đàn vì heo quá lứa sẽ tiêu tốn nhiều thức ăn nhưng lại tạo mỡ nhiều, không phù hợp thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam mà chỉ bán được cho phía Trung Quốc.
Hiện thị trường Trung Quốc đang hút hàng nhưng xuất khẩu chỉ là tiểu ngạch chứ không phải chính thức. Trước mắt có thể giúp tiêu thụ được heo, cân đối cung - cầu nhưng nếu người nuôi cứ trông chờ vào thị trường này sẽ rất rủi ro và không phải là hướng đi bền vững của ngành chăn nuôi. Nếu cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm soát chặt biên giới thì đường xuất khẩu có thể bị chặn bất cứ lúc nào.
Cục Chăn nuôi mới đây cũng đưa ra khuyến cáo về thị trường Trung Quốc, tuy có chủ trương xuất nhập khẩu chính ngạch thịt heo nhưng là vấn đề lâu dài. Heo xuất khẩu đi chính ngạch là heo mảnh cấp đông, đáp ứng các tiêu chuẩn về dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Với yêu cầu này, thịt heo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các nước có nền chăn nuôi phát triển như Canada, Brazil, Mỹ, nơi có giá thành thấp hơn Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm này, heo từ trong dân không còn nhiều mà chủ yếu còn ở các trang trại nuôi gia công cho các công ty nước ngoài. "Cơn bão" giá heo quét qua, hầu hết nông dân Việt Nam đều chịu không thấu, từ thua lỗ đến nợ nần. Sau "cơn bão" này, các đại gia FDI sẽ hưởng lợi vì thâu tóm được thị phần chăn nuôi. Thời gian qua, heo nuôi gia công của họ cũng chịu giá thấp nhưng họ có phần cám bù lại, chỉ nông dân là thua hoàn toàn.
Phải tiếp tục giảm đàn nuôi
Đánh giá việc giá heo hơi tăng là tín hiệu tích cực song ông Nguyễn Đăng Vang cho rằng người chăn nuôi không nên quá kỳ vọng, đặc biệt là cần phải tiếp tục giảm đàn nuôi, thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng, để tránh tiếp tục dư thừa sản phẩm, dẫn tới không tiêu thụ được và bị lỗ nặng. Nếu tiếp tục giảm đàn, đến tháng 9-2017, giá heo có thể tăng lên so với hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 27,23 triệu con heo, giảm khoảng 1,1 triệu con so với cùng kỳ năm 2016 và giảm khoảng 1,6 triệu con so với tháng 4-2017, do người nuôi không tái đàn./.