Dừng phát hành thêm tiền xu
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước việc dừng in đúc, phát hành tiền xu mới.
- Tiền xu vẫn có giá trị lưu thông bình thường
- Việt Nam sẽ kiềm chế được lạm phát và đạt mục tiêu phát triển
Với mục đích tạo tiền đề cho phát triển các hình thức thanh toán tự động, năm 2003, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành đồng tiền xu. Tuy nhiên, sau 8 năm hoạt động, đến nay, đồng tiền này hầu như không còn vị trí trong lưu thông. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước việc dừng in đúc, phát hành tiền xu mới.
Ngày 17/12/2003 Ngân hàng nhà nước phát hành tiền xu với các mệnh giá là: 200 đồng, 1.000 đồng và 5.000 đồng. Những tháng sau đó, Ngân hàng tiếp tục phát hành tiếp 2 mệnh giá là 500 đồng và 2.000 đồng. Tính đến tháng 5/2005, lượng tiền xu đưa vào lưu thông đã chiếm 1/4 tổng giá trị tiền lẻ đang lưu hành. Song, ngay khi ra đời, tiền xu đã không được người dân hào hứng đón nhận bởi nhiều lý do. Đặc biệt là việc thanh toán bằng tiền xu khó thực hiện do chưa phát triển các hình thức thanh toán tự động.
Nhiều nhà có con nhỏ không dám sử dụng bởi không ít trường hợp trẻ em nuốt phải tiền xu nguy hiểm đến tính mạng. Chị Nguyễn Hương Lan, Quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Tôi dùng tiền xu thì thấy không thuận tiện, hay rơi, đi chợ đưa cho người ta cũng không lấy. Việc dừng phát hành tiền xu mới tôi thấy là hợp lý vì đa phần người dân không thích dùng tiền xu, tiền giấy thuận lợi hơn”.
Tiền xu đang lưu thông trên thị trường hoàn toàn vẫn có giá trị lưu hành |
Ở nước ngoài, tiền xu được dùng rất phổ biến, thậm chí nhiều dịch vụ dùng tiền xu tiện lợi hơn so với tiền giấy. Đơn cử như nước Mỹ, đồng tiền xu mệnh giá 1 USD được sử dụng rất phổ biến. Người dân khi bỏ 1 USD vào bốt điện thoại để gọi, bỏ vào máy bán hàng tự động để mua nước giải khát và có thể làm được nhiều việc…
Tuy nhiên, ở nước ta, biết bao xu lẻ mới mua được lon bia, cộng thêm vào đó, chất lượng tiền còn nhiều mặt hạn chế. Chỉ cần qua vài lần thanh toán tiền xu đã xỉn màu, không còn thấy được mặt chữ, cũng như mệnh giá của tiền. Nếu không để ý vào kích thước thì khó phân biệt được đâu là 2.000 đồng và 5.000 đồng …
Chị Mai Hoàng Anh, chủ cửa hàng văn phòng phẩm, trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội cho biết: “Có thời gian chị phải sang ngân hàng để đổi tiền xu sang tiền giấy vì khi trả lại bằng xu này khách hàng không nhận. Hơn một năm nay chị không nhận tiền xu của khách”
Theo ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì: trong lĩnh vực tiền tệ, tiền xu là một đồng tiền tất yếu trong cơ cấu các đồng tiền của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, do ở Việt Nam có những "đặc thù" về tập quán tiêu dùng, nên Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị Thủ tướng về việc dừng phát hành mới loại tiền này.
Ông Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho rằng: việc ngừng phát hành tiền xu sẽ không tổn thất lớn cho nền kinh tế nhưng sẽ tạo tâm lý không hay cho người dân, khi phát hành loại tiền mà không được xã hội chấp nhận. Vậy trong tương lai, đồng tiền này liệu có được lưu hành trở lại ? Ông Kiêm nêu quan điểm cá nhân của mình: “Theo cá nhân tôi, việc phát hành mới tiền xu cũng phải chờ tới lúc chúng ta cải cách mệnh giá đồng tiền để ngang bằng với mệnh giá các nước trên thế giới và cũng cần phải có nhiều kế hoạch phối hợp với nhau chặt chẽ, mang tính chất lâu dài”.
Như vậy, sau 8 năm phát hành, mới đây Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã chính thức công bố sẽ dừng phát hành thêm tiền xu mới. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, lượng tiền xu đang lưu thông trên thị trường hoàn toàn vẫn có giá trị lưu hành như mọi đồng tiền khác. Theo một số chuyên gia kinh tế, khi cho lưu hành tiền xu, ngân hàng nhà nước chưa tính kỹ đến hệ thống hạ tầng sử dụng thói quen của người dân để sử dụng một cách hiệu quả, dẫn đến hệ quả là sự “vất vưởng” của tiền xu trong lưu thông./.