Đường tồn kho vẫn tăng giá
Những ngày qua, giá đường trong nước tăng liên tục, mặc dù lượng đường tồn kho vẫn còn nhiều. Theo đánh giá của một số chuyên gia, trên thị trường đường đang tồn tại tình trạng “găm hàng, chờ giá lên”.
Tại Hà Nội, giá đường kính trắng bán buôn tăng 900 đồng/kg, hiện ở mức 17.500 đồng/kg; mức tăng này tại thành phố Hồ Chí Minh là 17.600 đồng/kg. Mặc dù đường khan hiếm, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, hiện trong kho của các doanh nghiệp vẫn còn tồn khoảng 170.000 tấn đường.
Để bình ổn thị trường, mới đây, liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Công Thương đã kiến nghị Chính phủ cho phép nhập bổ sung thêm 150.000 tấn. Nếu Chính phủ chấp thuận thì trong năm nay nước ta nhập 350.000 tấn đường, đưa tổng lượng đường cả sản xuất và nhập khẩu trong nước lên 1,25 triệu tấn. Hiệp hội mía đường cũng cho rằng, con số này chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng đường trong nước.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại, Nông, Lâm, Thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tình trạng khan hiếm đường trên thế giới cũng đang xảy ra. Ước tính trong năm nay thế giới thiếu trên 5 triệu tấn đường, do vậy việc nhập khẩu đường cũng không đảm bảo hạ giá đường trong nước xuống.
Ông Đoàn Xuân Hòa cho biết: “Bộ Công Thương đang xin Chính phủ cấp 150.000 tấn đường, trước mắt cần cấp ngay 100.000 tấn để đảm bảo cho sản xuất công nghiệp từ nay đến cuối năm. Hiện tại, lượng đường đang tồn ở các doanh nghiệp vào khoảng 170.000 tấn. Nếu tính cả đường nhập và quota chưa nhập hiện còn khoảng hơn 200.000 tấn. Tuy nhiên, lượng đường này không đủ cho sản xuất từ nay đến cuối năm”.
Như vậy, trong khi lượng đường tồn kho là 170.000 tấn, tình trạng khan hiếm đường trong nước vẫn xảy ra, đẩy giá đường tăng cao. Thị trường đường sẽ đi về đâu nếu tình trạng găm hàng chờ tăng giá vẫn tiếp tục diễn ra ở các doanh nghiệp, kể cả sau khi lượng đường đã được nhập bổ sung? Câu hỏi này còn chờ sự trả lời của các ngành chức năng trong nỗ lực bình ổn giá đường./.