ECB có thể phải tiếp tục cắt giảm lãi suất
(VOV) -Việc ECB cắt giảm lãi suất ngày 2/5 đã mở ra những yêu cầu chính sách mới trong tương lai.
Hạ lãi suất xuống mức kỷ lục và phản ứng của thị trường
Ngày 2/5, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã chính thức quyết định cắt giảm lãi suất tái cấp vốn xuống mức thấp nhất từ trước tới nay là 0,5%, giảm lãi suất trần cho vay từ 1,5% xuống 1% và giữ nguyên lãi suất tiền gửi 0%. ECB cũng gia hạn các khoản cho vay đối với các ngân hàng ít nhất là đến 7/2014.
Trước cuộc họp của ECB, đã có rất nhiều sức ép yêu cầu chấm dứt chính sách kinh tế khắc khổ tại Châu Âu, thay vào đó là sử dụng các biện pháp thúc đẩy kinh tế, đầu tư, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Sau khi có quyết định cắt giảm lãi suất, bước đầu đã có những tác động tích cực.
Hôm nay (3/5), thị trường chứng khoán trên toàn thế giới đã đón nhận thông tin này một cách hứng khởi. Chưa bao giờ đồng euro lại rẻ như hiện tại. Trên thị trường chứng khoán Frankfurt, chỉ số Dax tăng 0,6% lên 7.961. Chỉ số Dow Jones phố Wall tăng 0,9% lên 14.831. Tại Hồng Kong, chỉ số Hang Seng lúc trưa nay đã tăng 0,7%.
Thị trường vàng cũng đã tăng mạnh lên mức 1.474,8 USD/oz. Giá dầu tăng mạnh nhất trong 6 tháng, giá dầu WTI tăng lên 93,99 USD/thùng và giá dầu Brent lên 102,85 USD/thùng.
Tác dụng không như mong đợi
ECB hy vọng, mức lãi suất 0,5% sẽ giảm chi phí đi vay đầu tư kinh doanh và giảm gánh nặng chi phí cho các ngân hàng gặp khó khăn đã phải vay vốn khẩn cấp từ ECB, từ đó cải thiện tình hình tài chính cho các ngân hàng này và khuyến khích cho vay.
Bên cạnh đó, ECB cũng mong muốn cải thiện tầm ảnh hưởng từ các chính sách tiền tệ của mình, muốn mức lãi suất thấp này sẽ tác động đến từng quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, các quốc gia phía Nam Châu Âu không được hưởng lợi nhiều từ quyết định này như tại các quốc gia khác ở phía Bắc. Các ngân hàng ở phía Nam hầu như không cho vay được mấy, nếu không thì các ngân hàng này đã có thể thu được nguồn lợi nhuận lớn hơn từ tín dụng cho các công ty và hộ gia đình so với các ngân hàng phía Bắc do rủi ro tín dụng và chi phí giải ngân ở đây cao hơn nhiều.
Điều đó chứng tỏ biện pháp cắt giảm lãi suất này không phát huy tác dụng như mong đợi tại các quốc gia khủng hoảng. Cụ thể, Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vẫn đang phải tiếp tục tiến hành các chương trình cải tổ hà khắc và đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao.
Sẵn sàng cắt giảm tiếp lãi suất
Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi phát biểu sau cuộc họp tại Bratislava rằng “Không thể có lý do không đủ vốn dẫn đến việc không cho vay”. ECB đã liên tiếp nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc mức lãi suất thấp này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), những đối tượng không có nhiều lựa chọn trong việc huy động vốn, so với vay từ ngân hàng. ECB sẽ tiếp tục nghiên cứu các biện pháp để tăng cường cho vay tới các SME, những bộ phận nòng cốt của nền kinh tế Châu Âu nhưng đang rất thiếu vốn ở nhiều quốc gia.
Do vậy, tuy ECB kỳ vọng nền kinh tế sẽ dần hồi phục về cuối năm nhưng vẫn nhấn mạnh rủi ro tiếp tục đi xuống của nền kinh tế. Ông Draghi cho biết “Chúng tôi sẽ giám sát rất kỹ tất cả những thông tin sắp tới đây, và xử lý bất kỳ ảnh hưởng nào đến bình ổn giá cả trong tương lai”. Ông cũng cho rằng ECB sẵn sàng tiếp tục cắt giảm lãi suất, thậm chí xuống mức lãi suất âm đối với tiền gửi, nếu tình hình bắt buộc.
Lãi suất tiền gửi âm có nghĩa là sẽ mất phí khi gửi tiền bằng đồng euro. Tiếp tục cắt giảm lãi suất sẽ khuyến khích các ngân hàng cho vay tiền hơn là gửi tiền tại ECB mặc dù điều này có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của chính các ngân hàng, thị trường trái phiếu cũng như cho việc huy động vốn và đầu tư.
Trước thông tin này, đồng euro đã giảm 0,6% so với đồng bảng xuống 84,135 và giảm so với đô la Mỹ xuống dưới 1,31 USD.
Lạm phát tiếp tục giảm sút, có thể ECB sẽ phải tìm kiếm những giải pháp khác ngoài việc điều chỉnh lãi suất để giải quyết áp lực giá giảm. ECB đang tính đến việc quay lại một đối tượng tài sản bị coi là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính là chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản tài chính (ABS). Loại tài sản này sẽ là một kênh để các ngân hàng chuyển một phần rủi ro tín dụng sang những nhà đầu tư khác, qua đó mở rộng quy mô vốn và tăng khả năng thanh khoản phù hợp với những quy định bắt buộc mới - một lý do khiến các ngân hàng không muốn cho vay.
Ngân hàng Berenberg Bank’s Holger Schmieding cho biết nếu các tổ chức khác, như Ngân hàng đầu tư Châu Âu, tham gia phát triển thị trường ABS cho vay các SME thì ECB cuối cùng cũng có thể sẽ sử dụng chính sách nới lỏng định lượng (QE), sản xuất tiền để mua tài sản, một chính sách mà ECB trước kia đã từ bỏ nhưng lại đang được các ngân hàng trung ương chủ chốt khác sử dụng tích cực.
Cụ thể, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), đang cố gắng kích thích nền kinh tế phát triển thông qua các chương trình mua trái phiếu, đẩy lãi suất giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử và khuyến khích đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Todd Salamone, giám đốc nghiên cứu tại Schaeffer's Investment Research tại Cincinnati nhận định “Fed vẫn đang tiến hành chương trình kích thích nền kinh tế và Nhật Bản khiến thị trường ngạc nhiên trước gói kích thích khổng lồ gần đây. Còn bây giờ đến lượt ECB cắt giảm lãi suất”. “Tất cả tạo nên bối cảnh một hệ thống các ngân hàng trung ương toàn cầu đang nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế và tác động tích cực đến thị trường chứng khoán”./.