EVFTA 2 năm thực thi bước đầu tận dụng cơ hội cho thương mại và đầu tư

VOV.VN - Trong giai đoạn thực thi EVFTA tiếp theo, cần thiết phải có những điều chỉnh phù hợp trong chính sách của Nhà nước cũng như sự chủ động trong nhận thức và hành động của DN.

Tại Hội thảo “Đánh giá 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA tại Việt Nam từ góc nhìn doanh nghiệp”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Viện FNF Việt Nam tổ chức ngày 10/11, nhiều diễn giả có chung nhận định, trong 2 năm đầu có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được thực thi tương đối hiệu quả, cả từ góc độ thương mại, đầu tư cũng như xây dựng pháp luật bảo đảm tuân thủ cam kết.

Kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 41,7 tỷ USD/năm

Các số liệu thống kê cho thấy, EVFTA đã góp phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi, và giúp quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của EU vào Việt Nam năm 2021 với tổng vốn hơn 1.405 triệu USD, tăng 2,2%, giúp EU vươn lên đứng thứ 5 các khu vực đầu tư lớn vào Việt Nam.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, EVFTA đã góp phần đáng kể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Trong 2 năm thực thi Hiệp định, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU.

“Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU giai đoạn từ tháng 8/2020-7/2022 đạt 83,4 tỷ USD, tăng trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA đã tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, EVFTA đã tạo tác động lan tỏa tới nhiều khu vực dân cư khi các sản phẩm tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan EVFTA được ghi nhận là gạo, giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa...”, bà Trang cho biết.

Tuy nhiên theo bà Trang, quá trình thực thi EVFTA cũng tồn tại một số bất cập, hạn chế cản trở DN hiện thực hóa các lợi ích kỳ vọng từ Hiệp định, trong bối cảnh nhiều chủng loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa sau đại dịch.

Trong khi EU lại là thị trường luôn có đòi hỏi cao về các quy chuẩn chất lượng, cũng như nhiều rào cản khắt khe về thương mại, chú trọng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn lao động và môi trường và quy định truy xuất nguồn gốc… làm hạn chế khả năng tiếp cận của nhiều ngành hàng và DN Việt Nam.

Thông tin từ kết quả khảo sát doanh nghiệp về EVFTA được bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI đưa ra cho thấy, tỷ lệ các DN Việt Nam từng được hưởng lợi từ EVFTA rất khả quan, với gần 41% DN cho biết đã từng hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA. “Lợi ích phổ biến nhất là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất-nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận. Điều này có thể là kết quả của sự cải thiện trong mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về Hiệp định này”, theo bà Trang.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cũng chỉ ra một số hạn chế sau 2 năm thực thi EVFTA, khi vẫn còn nhiều DN cho biết các lực cản có thể khiến họ khó hưởng lợi từ EVFTA và các FTA, đáng kể nhất là các biến động và bất định của thị trường; năng lực cạnh tranh hạn chế; thiếu thông tin về cam kết và cách thức tận dụng. Đặc biệt, hiện trạng pháp luật chưa bảo đảm việc thực thi cam kết EVFTA khi việc ban hành văn bản quy định chậm, ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu quả tận dụng cam kết EVFTA trên thực tế…

Tăng hiệu quả thực thi từ sự chủ động của DN

Hai năm đầu thực thi Hiệp định EVFTA vừa qua cũng là khoảng thời gian mà kinh tế thế giới và Việt Nam phải đối mặt với những biến động chưa từng có, từ dịch bệnh Covid-19, đứt gãy các chuỗi cung ứng, đến xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng năng lực, lương thực… do đó trong giai đoạn thực thi tiếp theo, cần thiết phải có những điều chỉnh phù hợp trong chính sách của Nhà nước cũng như sự chủ động trong nhận thức và hành động của DN.

Để tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển thị trường của DN cho từng sản phẩm vào thị trường EU, bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, sự chủ động trong nhận thức và hành động của DN là điều kiện cần và các nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh là điều kiện đủ, để DN có thể hiện thực hóa các lợi ích từ EVFTA hay các FTA nói chung.

 “Định vị thương hiệu và xúc tiến thương mại là điều các DN cần quan tâm trong thời điểm hiện nay. Các DN cần chủ động nắm bắt thông tin về cơ hội cắt giảm thuế quan đối với mỗi sản phẩm đặc trưng của DN mình. DN chủ động nắm bắt thông tin về thị trường EU với các xu hướng, thị hiếu cũng như cơ chế nhập khẩu hàng hóa, trong đó quan tâm đến các yêu cầu chất lượng tránh để hàng hóa bị trả về vì không đáp ứng tiêu chuẩn…”, bà Trang khuyến nghị.

Theo TS. Cao Xuân Phong, Trưởng ban Nghiên cứu Pháp luật quốc tế - Viện Khoa học pháp lý, để thực thi có hiệu quả hơn EVFTA trong thời gian tới, Nhà nước cần hỗ trợ, đồng hành cùng DN tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép, lương thực để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.

Cụ thể, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ DN hơn nữa về thông tin thương mại EU thông qua phát triển hệ thống thông tin thị trường, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho DN, qua đó hỗ trợ DN tham gia trực tiếp, hiệu quả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng nông sản khu vực EU. Cùng với đó cần tăng cường công tác cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với nông sản xuất khẩu.

Đối với các DN triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống Thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ thông tin thị trường tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cần “phương tiện” phù hợp cho “cao tốc” EVFTA
Cần “phương tiện” phù hợp cho “cao tốc” EVFTA

VOV.VN - Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA tạo cho nền kinh tế Việt Nam không gian về một thị trường rộng lớn hơn, với các tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn.

Cần “phương tiện” phù hợp cho “cao tốc” EVFTA

Cần “phương tiện” phù hợp cho “cao tốc” EVFTA

VOV.VN - Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA tạo cho nền kinh tế Việt Nam không gian về một thị trường rộng lớn hơn, với các tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn.

Doanh nghiệp tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan trong Hiệp định EVFTA
Doanh nghiệp tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan trong Hiệp định EVFTA

VOV.VN - Sau 1 năm thực thi, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ cho thị trường EU đạt mức gần 8 tỷ USD.

Doanh nghiệp tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan trong Hiệp định EVFTA

Doanh nghiệp tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan trong Hiệp định EVFTA

VOV.VN - Sau 1 năm thực thi, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ cho thị trường EU đạt mức gần 8 tỷ USD.

Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt
Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt

VOV.VN - Nhờ những ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao của Việt Nam sang thị trường EU được đánh giá cao.

Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt

Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt

VOV.VN - Nhờ những ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao của Việt Nam sang thị trường EU được đánh giá cao.