EVN còn độc quyền, thị trường điện còn méo mó

Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định sự độc quyền của ngành điện đang tạo ra những bất công mà ở đó khách hàng luôn là người chịu thiệt.

Sáng 20/6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực.

Cân nhắc phí điều tiết điện lực

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng ý với dự thảo về phí điều tiết điện lực - khoản chi phí cần thiết để bù đắp cho cơ quan điều tiết điện lực thực hiện các dịch vụ điều tiết hoạt động điện lực (ngoài các chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao).

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) bày tỏ băn khoăn: “Loại phí này được các đơn vị điện lực trả cho Cục điều tiết điện lực, một cơ quan thuộc Bộ Công thương. Theo tôi, phí điều tiết điện lực tồn tại có hợp lý hay không còn phụ thuộc vào vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Cục điều tiết điện lực. Nếu làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về điện lực, Cục điều tiết điện lực không được thu loại phí này vì về nguyên tắc chi phí thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước phải được ngân sách nhà nước đảm bảo. Phí chỉ được thu khi Cục điều tiết điện lực trở thành một đơn vị hoạt động độc lập tham gia thị trường điện lực và thực hiện các dịch vụ điều tiết hoạt động điện lực”.

Tuy nhiên, theo Điều 66 trong dự luật và Luật điện lực hiện hành, cơ quan điều tiết điện lực là cơ quan quản lý Nhà nước về một số hoạt động của điện lực. Vì thế, đại biểu Thùy Trang e ngại, nếu luật cho phép cơ quan này thu phí điều tiết điện lực sẽ là không công bằng với các Cục, Tổng cục khác thuộc Bộ Công thương cũng tham gia quản lý nhà nước về điện lực. Theo đại biểu Trang, Luật nên bỏ phí điều tiết điện lực để không tạo ra bất bình đẳng kể trên, đồng thời không làm tăng chi phí sản xuất điện.

Đồng tình với quan điểm này, các đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn), Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình), Tôn Thị Ngọc Hạnh (đoàn Đắk Nông) đều cho rằng cần làm rõ hoạt động của cơ quan quản lý điều tiết điện lực có đặc thù khác với cơ quan quản lý nhà nước khác không. “Nếu chỉ nói chung chung sẽ dẫn đến tình trạng các ngành khác cũng đòi hỏi chi phí điều tiết đối với ngành mình” - đại biểu Thành lưu ý.

Đại biểu Ngọc Hạnh thì khẳng định, đã là cơ quan quản lý nhà nước thì không nên có bất kỳ loại phí nào bởi sẽ gây bất bình đẳng với các cơ quan khác không có phí. Bà Hạnh đề nghị bỏ phí này và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực với lý do nhiều phí, nhiều giá dễ làm tăng giá bán điện.

Với điện, khách hàng luôn chịu thiệt!

Thảo luận về chính sách giá điện, nhiều đại biểu nhận định sự độc quyền của ngành điện đang tạo ra những bất công mà ở đó khách hàng luôn là người chịu thiệt. Đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) bức xúc, “nhìn vào hợp đồng cung cấp điện sẽ thấy ngay: một bên muốn làm gì thì làm, còn một bên thì nói bao nhiêu trả bấy nhiêu”. Đại biểu Dũng đề nghị làm rõ trách nhiệm bên bán, bên mua, cung cấp nguồn điện ổn định, điều kiện ngừng cung cấp điện... “Cần xúc tiến để tiến tới phải chịu trách nhiệm về vật chất của bên bán điện khi không đảm bảo nguồn cung cấp ổn định mà gây thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống của nhân dân. Làm thế nào để trong hợp đồng bên mua bên bán phải bình đẳng kể cả về quyền và nghĩa vụ” – đại biểu Dũng góp ý.

Đại biểu Dũng cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm bên bán, bên mua, cung cấp nguồn điện ổn định, điều kiện ngừng cung cấp điện, về nghĩa vụ kiểm định, về đảm bảo an toàn, về phương thức thanh toán, về đảm bảo mĩ quan của đô thị trong đầu tư các đường dẫn, nhất là môi trường, cảnh quan của đường dẫn điện trong các đô thị.

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Tiến Dũng, phải sửa đổi, bổ sung những quy định để phù hợp với từng bước hạn chế độc quyền trong sản xuất, kinh doanh điện, đảm bảo trong thời gian gần nhất có thể xóa bỏ được cơ chế độc quyền hoàn toàn và tạo được thị trường tự do.

Chia sẻ với đại biểu Dũng, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) phản ánh một thực tế là từ trước đến nay giá điện chỉ biết tăng chứ không bao giờ giảm. Theo đại biểu An, điện là loại hàng hóa đặc biệt, tác động rộng lớn tới đời sống và nền kinh tế, nhưng hiện nay chúng ta chưa hình thành được một thị trường phát điện điện cạnh tranh, lành mạnh, minh bạch. Vì vậy, theo bà An, ưu tiên hàng đầu là phải đề ra được những giải pháp chống độc quyền. “Nếu còn độc quyền sẽ không bao giờ có sự bình đẳng giữa người mua và người bán và cũng không bao giờ có chuyện giá có thể giảm hoặc tăng” - đại biểu An nhấn mạnh.

Có thể nói, tình trạng độc quyền về sản xuất, cung cấp điện đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Chính vì thế, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng rất cần sự công khai, minh bạch trong giá điện, thông qua đó tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách về giá. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) gợi ý, để giá điện thực sự minh bạch và dễ quản lý, giám sát thì giá điện cần phải tách bạch chi tiết giữa các khâu; thị trường điện phải tách độc lập, không chung lợi ích với đơn vị phát điện, đơn vị phân phối, bên bán điện để các nhà máy điện được đối xử bình đẳng trong việc đấu nối vào lưới điện truyền tải.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết, do đặc thù của ngành điện, khâu truyền tải, phân phối không thể có nhiều nhà đầu tư nên mặc nhiên đó là độc quyền tự nhiên của ngành điện. Nhưng ngay cả ở khâu phát điện – khâu có nhiều khả năng tham gia của các thành phần kinh tế thì tính cạnh tranh cũng chỉ thể hiện ở trên thị trường giao ngay (mới chiếm khoảng 10%) và trên thị trường mua, bán giá điện dài hạn. Nhưng với việc chiếm 90% sản lượng điện phát thì Tập đoàn điện lực (EVN) vẫn độc quyền mua, các nhà máy thường gặp rất nhiều bất lợi trong trong quá trình đàm phán giá điện với EVN. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho các nhà máy, đại biểu Thành kiến nghị cần có những quy định về kiểm soát giá mua điện đối với EVN.

Cùng bàn về điều này, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (đoàn Nam Định) lưu ý, dự thảo luật cần thể hiện được sự tách bạch giữa quản lý nhà nước và sự tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp. Để phản ánh đúng cơ chế thị trường trong lĩnh vực kinh doanh điện, bà Nga cho rằng không nên đưa điện thuộc lĩnh vực công ích, lĩnh vực chính sách và cơ cấu giá thành mà nên hỗ trợ bằng các chính sách khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên