EVN lại kêu lỗ lớn: Độc quyền ngành điện nhưng không thể tùy tiện tăng giá

VOV.VN - Với ngành kinh doanh độc quyền như ngành điện việc tăng giá 1% cũng cần cân nhắc, tránh trường hợp liên tục điều chỉnh.

Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, đặc biệt giá nhiên liêu tăng cao dẫn đến nhiều quốc gia trên thế giới gặp khó khăn về năng lượng. Tại Việt Nam, trong 10 tháng năm 2022, kinh tế đã hồi phục sau dịch Covid-19 và phát triển mạnh mẽ, nên nhu cầu điện tăng trưởng 8,6% so cùng kỳ năm 2021. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng điện đã đóng góp 0,67 điểm phần trăm vào tăng trưởng ngành công nghiệp và đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn khiến kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2022 của Công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng.

Bán càng nhiều điện, lỗ càng lớn

Mặc dù đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân với nhu cầu điện tăng trưởng cao trong những tháng qua, song theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng.

Thông tin từ EVN cho biết, Tập đoàn đã nỗ lực cố gắng để tiết giảm chi phí nhưng với các giải pháp trong nội tại EVN đã thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2022 của Công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng.

Trao đổi với báo chí, ông Phan Tử Lượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao khiến chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh, làm tăng chi phí mua điện trên thị trường điện của EVN. Ngoài ra, giá nhiên liệu, vật tư thiết bị tăng cao làm tăng tổng mức đầu tư các dự án đầu tư xây dựng; tăng các chi phí sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và chi phí quản lý vận hành lưới điện. Cùng với đó, các khoản vốn vay ODA để đầu tư lưới điện trong bối cảnh tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh như hiện nay cũng ảnh hưởng tới hoạt động ngành điện. 

“Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2022 của EVNNPC gặp khó sẽ ảnh hưởng đến tình hình cân đối tài chính và dòng tiền của EVNNPC. Nói như vậy để thấy, EVNNPC sẽ khó bảo đảm tiến độ thanh toán tiền điện cho EVN, thanh toán cho các nhà thầu và đối tác... Điều này cũng gây ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng tín nhiệm của EVNNPC, gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu xếp vốn cho đầu tư xây dựng của EVNNPC năm 2023 và các năm tiếp theo. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong giai đoạn tới, nguồn vốn cần để đầu tư xây dựng là rất lớn. Đặc biệt, việc không thu xếp được vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện cho các địa phương và các khách hàng sử dụng điện của 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc...”, ông Lượng phân trần.

Thực tế trong 3 năm qua (từ tháng 3/2019), khi giá bán điện bình quân chưa được tăng theo biến động đầu vào cũng là một nguyên nhân khiến cho hoạt động kinh doanh của EVN liên tiếp bị lỗ. Ngay trong năm 2020, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN đã bị lỗ 1.307,29 tỉ đồng do tác động của dịch Covid-19, khiến nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ có giá bán điện cao nhưng sản lượng điện tiêu thụ có tỉ trọng thấp, các khách hàng thuộc thành phần thương nghiệp - dịch vụ sản lượng cũng giảm sâu.

Sớm rà soát lại chi phí giá điện

Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới, ngoài làm tốt công tác quản trị điều hành; tiếp tục duy trì việc cân đối, tiết giảm chi phí từ phía ngành điện, Nhà nước cần có những chính sách, điều chỉnh quy định kịp thời, hợp lý để đảm bảo vận hành trơn tru hệ thống điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia...

Trao đổi với báo chí, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, giá điện bị kìm quá lâu cũng đang là vấn đề cần sớm giải quyết, nếu không sẽ dẫn đến chuyện thiếu nguồn như với mặt hàng xăng dầu vừa qua. Nếu các chi phí cấu thành giá thành không được tính đúng, tính đủ, hợp lý sẽ khiến cho thị trường méo mó, các DN không mặn mà kinh doanh.

Tuy nhiên vị này cũng lưu ý, Dự thảo cho phép EVN được chủ động quyết định tăng giá bán điện bình quân nếu thông số đầu vào tăng từ 1% đến dưới 5% là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn và cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng.

"Với ngành kinh doanh độc quyền như ngành điện việc tăng giá 1% cũng cần cân nhắc, tránh trường hợp liên tục điều chỉnh. Quyết định tăng giá điện phải có cơ quan giám sát độc lập, thỏa mãn các điều kiện theo quy định mới được điều chỉnh. Với người tiêu dùng, không ai muốn tăng giá hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu. Nhưng giá điện đã bị nén quá lâu, trong khi các chi phí đầu vào tăng chóng mặt nên Chính phủ và Bộ Công Thương cần rà soát lại chi phí giá điện để có giải pháp phù hợp”, PGS. TS. Ngô Trí Long khuyến nghị.

Đặt ra vấn đề đặt hiện nay là có nên tiếp tục giữ cho giá điện cố định khi tất cả chi phí đầu vào đang tăng mạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cho rằng, để giải bài toán về thu hút đầu tư cho ngành điện thời gian tới, phía nhà đầu tư muốn thấy Nhà nước phải cam kết một mức giá nào đó để họ yên tâm đầu tư.

“Nếu cứ để ngành điện liên tục phải bù lỗ sẽ rất khó có được giá điện mới cho các nguồn năng lượng tái tạo. Trong khi muốn hút tư nhân đầu tư vào thị trường điện, rất cần có những tính toán để điều chỉnh giá điện ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, điều chắc chắn là không thể tăng giá điện quá nhiều vì sẽ tác động ngược lại với nền kinh tế, nhưng cũng phải đủ để cho EVN hoặc các nhà đầu tư tư nhân tồn tại”, ông Sơn nêu giải pháp./.

Bên lề họp báo Chính phủ chiều 1/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá đầu vào sản xuất điện tăng nên cần điều chỉnh giá bán lẻ, nhưng tăng ở mức nào phải rà soát, sau đó đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Mức tăng giá bán lẻ điện bình quân hiện nay đã vượt thẩm quyền của EVN theo Quyết định 24, tức là đã tăng trên 5%./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng: Cần tính toán, đàm phán lại giá điện gió, điện mặt trời
Thủ tướng: Cần tính toán, đàm phán lại giá điện gió, điện mặt trời

VOV.VN - Theo Thủ tướng, cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả

Thủ tướng: Cần tính toán, đàm phán lại giá điện gió, điện mặt trời

Thủ tướng: Cần tính toán, đàm phán lại giá điện gió, điện mặt trời

VOV.VN - Theo Thủ tướng, cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả

Giá điện dự kiến lên mức 8,1 - 9 UScent/kWh vào năm 2030
Giá điện dự kiến lên mức 8,1 - 9 UScent/kWh vào năm 2030

VOV.VN - Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Điện 8, với giá điện dự kiến lên mức 8,1-9 UScent/kWh vào năm 2030.

Giá điện dự kiến lên mức 8,1 - 9 UScent/kWh vào năm 2030

Giá điện dự kiến lên mức 8,1 - 9 UScent/kWh vào năm 2030

VOV.VN - Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Điện 8, với giá điện dự kiến lên mức 8,1-9 UScent/kWh vào năm 2030.

EVN nộp ngân sách nhà nước 22.440 tỷ đồng năm 2021
EVN nộp ngân sách nhà nước 22.440 tỷ đồng năm 2021

VOV.VN - EVN bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn tập đoàn ước tính đến hết năm 2021 là 731.000 tỷ đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ EVN và các đơn vị trong năm 2021 đều có lợi nhuận.

EVN nộp ngân sách nhà nước 22.440 tỷ đồng năm 2021

EVN nộp ngân sách nhà nước 22.440 tỷ đồng năm 2021

VOV.VN - EVN bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn tập đoàn ước tính đến hết năm 2021 là 731.000 tỷ đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ EVN và các đơn vị trong năm 2021 đều có lợi nhuận.