EVN nộp ngân sách nhà nước 22.440 tỷ đồng năm 2021
VOV.VN - EVN bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn tập đoàn ước tính đến hết năm 2021 là 731.000 tỷ đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ EVN và các đơn vị trong năm 2021 đều có lợi nhuận.
Tại hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 14/1, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, trong năm 2021 EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng các dự án điện, đã đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng góp phần nâng cao năng lực hạ tầng cung cấp điện, giải toả công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.
Số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,65%
Năm 2021, EVN đã đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum và Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng; hoàn thành cụm công trình cửa xả dự án Thủy điện tích năng Bắc Ái; khởi công 3 dự án nguồn thủy điện Hòa Bình mở rộng; Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng và Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I. EVN đã khởi công 198 công trình và hoàn thành 176 công trình lưới điện 110-500 kV. Tính đến cuối năm 2021, 100% số xã trên cả nước đã có điện, số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,65% và số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,45%.
EVN bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2021 là 731.000 tỷ đồng (bằng 100,2% so với năm 2020), trong đó vốn chủ sở hữu là 255.000 tỷ đồng (tăng 6,2% so với năm 2020). Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ EVN và các đơn vị trong năm 2021 đều có lợi nhuận. Giá trị nộp ngân sách năm 2021 toàn Tập đoàn đạt 22.440 tỷ đồng (năm 2020 là 22.528 tỷ đồng).
Theo ông Trần Đình Nhân, tập đoàn đã tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp quản lý chất lượng công trình xây dựng thông qua các công cụ như phần mềm đầu tư xây dựng và các ứng dụng giám sát thông minh. EVN đã ban hành quy chế về công tác đầu tư xây dựng; quy định về khảo sát phục vụ thiết kế các công trình điện, quy định về thẩm tra, thẩm định các dự án lưới điện 220-500 kV... Nâng cấp phần mềm quản lý đầu tư (IMIS 2.0), triển khai thí điểm các module quản lý hồ sơ điện tử, quản lý tiến độ, nhật ký thi công…
“Mặc dù trong năm 2021 tập đoàn đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích đất rừng, thu xếp vốn, giá vật tư, vật liệu tăng cao và giãn cách do dịch Covid-19, song tập đoàn và các đơn vị đã nỗ lực triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ nên đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021”, ông Nhân cho biết.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cùng với những thành công đã đạt được, trong năm 2021 tập đoàn cũng gặp phải những khó khăn nhất định, như việc chuẩn bị đầu tư dự án thường bị chậm do thời gian thực hiện thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng kéo dài; công tác hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cho vay lại chưa được quy định rõ làm các cơ quan nhà nước rất lúng túng trong việc xử lý, gây chậm tiến độ dự án
Đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện
Với chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, năm 2022 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề ra mục tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, thực hiện lộ trình chuyển đổi số trong điều kiện bình thường mới. Trong đó tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân.
EVN đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; đảm bảo kinh doanh có lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của tập đoàn.
EVN sẽ đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, thu xếp vốn đối với 5 dự án nguồn điện trọng điểm là thủy điện Trị An mở rộng, Nhiệt điện Dung Quất I&III, Nhiệt điện Ô Môn III, Nhiệt điện Quảng Trạch II; tập trung thi công các dự án Thủy điện Hoà Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I. Khởi công và hoàn thành phát điện thương mại các dự án điện mặt trời và hoàn thành 264 công trình lưới điện từ 110-500 kV, khởi công 233 công trình lưới điện từ 110-500 kV…
Để hoàn thành mục tiêu trên, ông Trần Đình Nhân kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn và lưới điện.
“Năm 2022, tập đoàn đề ra các mục tiêu và nhiệm vụ với yêu cầu cao hơn so với năm trước. Toàn thể CBCNV trong tập đoàn phát huy truyền thống 67 năm ngành Điện Việt Nam, quyết tâm phấn đấu với tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cao nhất, thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra để EVN tiếp tục phát triển vững mạnh, toàn diện, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước”, ông Nhân nêu rõ./.