FAO: Thế giới cần đầu tư vì một thế hệ không còn nạn đói
VOV.VN - Tốc độ giảm đói nghèo đã chậm lại nên thế giới đang phải nỗ lực để giúp gần 500 triệu người thoát khỏi đói nghèo trong vòng 14 năm tới.
Hôm nay (6/12), tại Thái Lan, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) công bố Báo cáo tình trạng mất an ninh lương thực khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2016 với tiêu đề “Đầu tư cho một thế hệ không còn nạn đói”.
Đây là bản báo cáo đầu tiên được ấn hành cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), dựa vào thực tế khảo sát hiện trạng an ninh lương thực, mức độ đảm bảo dinh dưỡng cũng như tình hình suy dinh dưỡng ở tất cả các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.
Thế giới đang phải nỗ lực để giúp gần 500 triệu người thoát khỏi đói nghèo. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo bà Kundhavi Kadiresan, Trợ lý Tổng Giám đốc và Đại diện FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mặc dù ngay từ năm 1990, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã cố gắng giảm được 1/2 tỉ lệ đói nghèo, song phần lớn thành quả này lại chỉ đạt được vào giai đoạn đầu.
Trong những năm gần đây, tốc độ giảm đói nghèo đã chậm lại. Đầu tư công cho nông nghiệp cũng giảm – đây chính là tin xấu vì thế giới đang phải nỗ lực để giúp gần 500 triệu người thoát khỏi đói nghèo trong vòng 14 năm tới.
“Mặc dù chúng ta đang phải xóa đói song vẫn phải cố gắng hướng tới xây dựng một xã hội trong đó con người được nuôi dưỡng tốt và khoẻ mạnh. Và bây giờ là lúc chúng ta cần phải hành động vì 30% trẻ em dưới 5 tuổi trong khu vực vẫn bị còi cọc do thức ăn không có đủ dinh dưỡng”, bà Kundhavi Kadiresan chỉ rõ.
Trong tuần này, FAO cũng sẽ đưa ra phân tích hậu mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) đầu tiên về đói nghèo và suy dinh dưỡng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó, đánh giá tổng quan về tình hình mất an ninh lương thực trong khu vực, nhiều nước cần chú ý hơn nữa tới tăng trưởng nông nghiệp.
Cụ thể, nếu muốn đạt được mục tiêu phấn đấu vì một thế hệ không còn nạn đói ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2030, thế giới sẽ phải đầu tư hơn nữa vào khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, hỗ trợ thêm cho nhiều hệ thống lương thực, tăng cường đầu tư công cho ngành y tế chất lượng cao và cải thiện giáo dục về dinh dưỡng cũng như vệ sinh.../.