G20 nỗ lực tìm tiếng nói chung về vấn đề thuế toàn cầu
VOV.VN - Nhóm G20 sẽ nỗ lực để tìm tiếng nói chung về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu, trong bối cảnh một số nước thành viên phản đối đề xuất này.
Hôm nay (9/7), tại Venice, Italy khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Dự kiến, trong hai ngày diễn ra cuộc họp, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ thảo luận về nguồn lực tài chính dành cho tiêm ngừa Covid-19 ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, cải cách thuế toàn cầu và nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trong đó, nhóm G20 sẽ nỗ lực để tìm tiếng nói chung về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu, trong bối cảnh một số nước thành viên phản đối đề xuất này.
Trước đó, hồi đầu tháng này, 130 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nhất trí về quy định áp mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu, nhằm giải quyết tình trạng trốn thuế và tạo bình đẳng về thuế giữa các nước.
Trong các cuộc đàm phán trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - OECD đầu tháng 7/2021, 130 quốc gia đã đồng ý thiết lập một thỏa thuận đánh thuế tối thiểu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thỏa thuận ban đầu và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 sẽ phải thảo luận các khía cạnh chi tiết hơn của thỏa thuận này, với mục tiêu là đến Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Italia vào tháng 10/2021, thỏa thuận sẽ được hoàn tất. Hiện tại, vẫn còn rất nhiều vấn đề khúc mắc cần giải quyết đối với thỏa thuận này.
Khúc mắc đầu tiên, và là trọng tâm, đó là mức thuế tối thiểu 15%. Nhiều quốc gia hiện đang mong muốn nâng mức đánh thuế tối thiểu này cao hơn, đặc biệt là Mỹ, cường quốc kinh tế số 1 thế giới và cũng là nước có những thúc đẩy mang tính quyết định để thỏa thuận này ra đời.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 lần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen sẽ có 2 nhiệm vụ khó khăn: một là thuyết phục các nước nâng mức đánh thuế tối thiểu, hai là trấn an các nước tham gia thỏa thuận trước lo ngại về việc Quốc hội Mỹ sẽ ngăn cản thỏa thuận này.
Sở dĩ Mỹ muốn nâng mức thuế tối thiểu là vì chính quyền của ông Joe Biden hiện cũng đang có kế hoạch nâng mức thuế doanh nghiệp tại Mỹ lên 21%, vì thế chính quyền Mỹ muốn điều chỉnh, đồng bộ hóa mức thuế quốc gia và quốc tế.
Pháp cũng tuyên bố, mức 15% chỉ là khởi đầu để đàm phán và Pháp muốn mức đánh thuế tối thiểu cao hơn. Một số nước khác, như Argentina, thậm chí muốn nâng mức thuế tối thiểu đánh vào các tập đoàn đa quốc gia lên mức 25%. Vì thế, chắc chắn các nước sẽ phải tiếp tục thảo luận về việc nâng mức thuế tối thiểu lên cao hơn.
Một vấn đề khác cũng sẽ được các Bộ trưởng Tài chính G20 thảo luận, là về việc đánh thuế các tập đoàn tại quốc gia mà tập đoàn đó thu lợi nhuận, chứ không phải là tại nơi đặt trụ sở. Chủ đề này ít gây tranh cãi hơn nhưng cũng không phải không có nước phản đối, vì thế các bên tham gia cần phải giải quyết được mọi khúc mắc để đạt được đồng thuận.
Đề xuất về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu nếu được G20 thông qua sẽ giúp chấm dứt cuộc cạnh tranh tài chính giữa các nước. Thỏa thuận này tác động thế nào tới nền kinh tế toàn cầu?
Trong nhiều năm qua, các tập đoàn đa quốc gia đều có các chiến lược “tối ưu hóa về thuế”, tức lợi dụng sự khác biệt về chính sách thuế giữa các quốc gia trên thế giới để giành lợi ích lớn nhất, tức đóng thuế ít nhất. Ví dụ điển hình cho chiến lược này là việc đặt trụ sở tập đoàn tại các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có các chính sách ưu đãi về thuế, hoặc các “thiên đường thuế”, qua đó né tránh việc đóng thuế tại các quốc gia mà tập đoàn đó tiến hành công việc kinh doanh chính và thu lợi nhuận.
Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu ra đời sẽ xóa bỏ hiện trạng này bởi 130 quốc gia tham gia thỏa thuận, tính đến thời điểm này, chiếm đến 90% GDP toàn cầu và 130 quốc gia này sẽ sử dụng chung một hệ thống đánh thuế với các tập đoàn đa quốc gia, thay cho hệ thống thuế của mỗi nước. Đây được coi là việc thiết lập lại sự công bằng về thuế và về mặt kinh tế, các quốc gia sẽ giải quyết được phần lớn vấn đề trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Đại dịch Covid-19 vừa qua đã thể hiện rõ sự bất công về thuế này, khi các tập đoàn khổng lồ, như Amazon (Mỹ) đạt được các khoản lợi nhuận kỷ lục nhưng lại đóng thuế rất ít.
Dự kiến, sau khi thỏa thuận này được áp dụng, mỗi năm các quốc gia tham gia có thể thu về ít nhất 150 tỷ USD. Các nước đang phát triển cũng sẽ được hưởng lợi lớn hơn, vì ngoài việc các tập đoàn sẽ phải đóng thuế trực tiếp tại nơi kinh doanh và thu lợi nhuận, các nước đang phát triển cũng sẽ được hưởng một phần khác trong thuế đánh vào lợi nhuận vượt trội của các tập đoàn đa quốc gia, tức ngoài thuế tối thiểu doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia sẽ phải đóng thêm thuế lợi nhuận nếu tỷ suất lợi nhuận này ở mức cao. Tuy nhiên, hiện các nước vẫn đang thảo luận về tỷ suất lợi nhuận vượt trội phải đánh thuế là bao nhiêu, trên 10% hay trên 20%.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, tất cả các quốc gia đều đang có nhu cầu tài chính rất lớn để phục hồi và việc sớm áp dụng thỏa thuận đánh thuế tối thiểu các tập đoàn đa quốc gia sẽ giúp các nước có thêm nguồn tài chính để vực dậy kinh tế. Hiện tại, châu Âu đã đi trước một bước khi dự định ngay trong tháng 07/2021 sẽ thông báo kế hoạch đánh thuế các tập đoàn công nghệ nhằm có nguồn tài chính phục vụ gói phục hồi 750 tỷ euro của khối.
Hiện, một số nước châu Âu chưa nhất trí với đề xuất này.Đây chính là một trong các vướng mắc lớn cần giải quyết từ nay đến Thượng đỉnh G20. Trong số 139 nước tham gia các đàm phán trong khuôn khổ OECD đầu tháng này, có 130 nước đồng ý thỏa thuận đánh thuế tối thiểu 15%, 9 nước chưa đồng ý, trong đó có 3 nước thành viên Liên minh châu Âu – EU là Cộng hòa Ireland, Hungary và Estonia. Lí do là 3 quốc gia này hiện đều đang duy trì các mức thuế doanh nghiệp ưu đãi để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, như Cộng hòa Ireland hiện đang áp dụng mức thuế 12,5%, Hungary áp thuế 9% còn Estonia thậm chí hầu như chỉ đánh thuế vào cổ tức.
Do đó, nếu như một trong 3 nước là Cộng hòa Ireland, Hungary, Estonia phản đối thì thỏa thuận có nguy cơ rơi vào bế tắc do theo nguyên tắc đồng thuận của EU, bất cứ nước thành viên nào cũng có quyền phủ quyết các thỏa thuận của khối. Vì thế, nếu mâu thuẫn trong nội bộ EU không được giải quyết thì thỏa thuận cũng sẽ bị cản trở ở cấp độ G20 do G20 chính là tập hợp của EU và 19 nền kinh tế lớn khác trên thế giới.
Trong số 3 nước châu Âu đang phản đối, vai trò của Cộng hòa Ireland đặc biệt quan trọng vì quốc gia này là nơi đặt trụ sở châu Âu của các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Facebook, Google hay Apple cùng khoảng 800 công ty khác của Mỹ. Việc áp dụng cùng mức thuế như các quốc gia khác có thể sẽ khiến Cộng hòa Ireland đánh mất sức hút từ các tập đoàn đa quốc gia và theo tính toán, có thể khiến quốc gia này mất 1/4 khoản thu từ thuế. Do đó, mọi sự tập trung đang dồn về phía Cộng hòa Ireland.
Tuy nhiên, ngoài các nước châu Âu, vẫn còn một trở ngại lớn khác có thể đe dọa khai tử thỏa thuận này, đó là sự phản đối của đảng Cộng hòa tại Mỹ. Nếu đảng Cộng hòa phản đối đến cùng và ngăn cản chính quyền Mỹ thông qua thỏa thuận này thì kế hoạch đưa thỏa thuận này vào thực thi trên toàn cầu từ năm 2023 khó có thể thành hiện thực./.