Gạo Việt Nam sẽ xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Châu Phi
Gạo Việt Nam sẽ đến trực tiếp tay người tiêu dùng Châu Phi, làm lợi cho cả người nông dân sản xuất lúa gạo của Việt Nam và người tiêu dùng của miền Nam Châu Phi.
Cơ quan đại diện Bộ Công Thương tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Vụ thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á vừa có buổi làm việc với Công ty Spectrascape nhằm hợp tác đưa sản phẩm gạo Việt Nam vào thị trường Nam Phi và khu vực Châu Phi một cách trực tiếp.
Nội dung buổi làm việc tập trung vào đề án “Project Malbas” của công ty Spectrascape. Đề án nói về việc cung cấp lương thực cho hầu hết người dân châu Phi với chất lượng tốt, khả năng cung cấp ổn định lâu dài và cung cấp cho hầu hết các vùng nông thôn. Gạo Việt Nam sẽ đến trực tiếp tay người tiêu dùng Châu Phi, làm lợi cho cả người nông dân sản xuất lúa gạo của Việt Nam và người tiêu dùng của miền Nam Châu Phi.
Bà Gloria Njiji trình bày đề án và giới thiệu về công ty Spectrascape. Bà đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ và mong muốn dự án thành công để triển khai ngay.
Đại diện Bộ Công Thương, ông Trịnh Văn Sơn cảm ơn ý tưởng và đánh giá rất cao đề án của công ty Spectrascape. Nếu đề án thành công sẽ đem lại lợi ích cho cả người nông dân Việt Nam và người tiêu dùng Châu Phi. Ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ bán được gạo với giá cao vì có thêm một số giá trị gia tăng trong 1kg sản phẩm so với giá FOB trước đây, còn người tiêu dùng tại Châu Phi được mua gạo Việt Nam với giá rẻ và họ sẽ có lợi hơn so với hệ thống phân phối qua trung gian như hiện nay.
Thị trường Châu Phi tiêu thụ từ 20 – 25% sản lượng gạo Việt Nam xuất khẩu hàng năm. Người dân Châu Phi rất quen thuộc với gạo Việt Nam. Từ trước đến nay gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Châu Phi qua trung gian nên người tiêu dùng ở đây phải trả giá rất cao khi tiêu thụ gạo Việt Nam. Nếu việc hợp tác thành công sẽ là cơ hội để gạo Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng Châu Phi. Hiện, Việt Nam đang tập trung tìm kiếm đối tác, trao đổi với nhiều khách hàng tiềm năng để sản phẩm gạo Việt Nam xuất khẩu trực tiếp và lâu dài cho thị trường phía Nam Châu Phi./.