Gặp tỷ phú chuyên tạo hình trái cây
Ông là Nguyễn Trung Thành (Ba Thành, 60 tuổi) ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang.
Từ những trái cây bình thường như bưởi Năm Roi, đào tiên, dưa hấu… nhưng qua bàn tay biến tấu tài hoa của ông đã trở thành những trái cây có hình thù lạ mắt.
Ví dụ như: hình vuông, con gấu, hồ lô, hồ lô có chữ “Tài, Lộc”; “Phúc, Lộc, Thọ” và hình hai bàn tay ốp lại…
Ông là Nguyễn Trung Thành (Ba Thành, 60 tuổi) ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang.
Làm đủ nghề kiếm sống
Ngày đất nước được hòa bình thống nhất cũng là thời điểm Ba Thành học xong ngành sư phạm, được phân công đi dạy cấp I. Sau vài năm gõ đầu trẻ thời bao cấp, lương không đủ sống, ông bỏ nghề, xin vào làm nhân viên nhà máy nhiệt điện Trà Nóc (Cần Thơ).
Rồi Xí nghiệp Rau quả đông lạnh Cần Thơ được thành lập, Ba Thành lại xin về đây làm công nhân. Sau nhiều năm, xí nghiệp hoạt động không còn hiệu quả và bị giải thể.
Ông Ba Thành giới thiệu bưởi hô lô có chữ “Phúc - Lộc - Thọ”. |
Thất nghiệp, ông lại gom góp toàn bộ số tiền tích lũy được mua xe lôi thùng (kéo bằng xe Honda 67, rất phổ biến ở Cần Thơ) để chạy. Ba Thành tâm sự: “Nghề chạy xe lôi không ngờ lại có thu nhập gấp đôi làm công nhân rau quả, đủ nuôi cả gia đình”.
Nếu không có lệnh cấm xe lôi của thành phố có lẽ ông vẫn còn gắn bó với nghề này tới nay. Ban đầu chỉ cấm theo giờ, sau là cấm hẳn. Một lần nữa, Ba Thành lại thất nghiệp giữa đô thị đông đúc, buộc phải xoay sở tìm nghề khác, không thì chết đói.
Bí quá, Ba Thành nghĩ chuyện về quê. Vốn liếng ban đầu khi về “vui thú điền viên” là 3 công vườn cha mẹ cho ra riêng đã nhiều năm nhưng Ba Thành chẳng mấy quan tâm. “Lúc đầu về nhìn vườn mà muốn khóc, toàn là cây tạp, trồng đủ thứ nào là xoài, mận, cóc, ổi… thu nhập mỗi mùa chỉ được vài triệu đồng là cao. Đất ít, chỉ có trồng chuyên canh mới có thu nhập cao.
Nhưng khổ nỗi mình không có vốn, trong khi vườn trồng mới phải ba, bốn năm mới cho thu hoạch, nên phải chuyển từ từ”, Ba Thành nhớ lại. Vùng đất Phú Trí A được dòng sông Hậu bồi đắp phù sa, nước ngọt quanh năm, có hai loại cây ăn trái rất thích hợp là bưởi và cam. Ba Thành quyết định chọn cây bưởi Năm Roi.
Theo kinh nghiệm của Ba Thành, nếu khu vực đã có đê bao chống lũ bên ngoài thì chỉ cần lên liếp cách mặt nước khoảng 0,5 m, đảm bảo chống ngập vào mùa mưa và nhẹ tưới vào mùa khô. Mặt liếp rộng 5 m, mương 2 m là vừa, để ít bị mất đất. Mỗi công vườn trồng được 50 gốc bưởi, trồng khoảng 3 năm cây bắt đầu cho trái và đạt đỉnh từ năm thứ 6 trở đi.
Bộ bưởi hồ lô “Phúc - Lộc - Thọ” do bàn tay tài hoa của ông Ba Thành biến tấu ra. |
Ba Thành chia sẻ: “Cây bưởi gần như cho trái quanh năm, với 3 vụ chính là: bưởi sớm (tháng 3 - tháng 5), bưởi mùa (tháng 7 - tháng 9) và bười vụ nghịch (tháng 10 - tháng chạp). Nếu chăm sóc tốt, một gốc bưởi cho thu hoạch 90 - 100 trái, một công 4,5 - 5 tấn trái, doanh thu 60 - 70 triệu đồng là bình thường”.
Trong 3 vụ chính thì mùa mưa là lúc bưởi bán giá thấp nhất, khi đó nhu cầu thị trường thấp, chỉ khoảng 10 ngàn đồng/kg. Cao nhất là bưởi vụ nghịch, lên đến 30 - 35 ngàn đồng/kg.
Tìm cách nâng giá trị trái cây
Có vườn bưởi chuyên canh, thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng nhưng Ba Thành vẫn chưa hài lòng, ông luôn trăn trở làm sao để nâng cao hơn nữa giá trị của loại trái cây đặc sản này.
Ông cất chòi giữa vườn ngày đêm nằm suy nghĩ. Đang miên man, tình cờ ông phát hiện trái bưởi bị kẹp giữa hai nhánh cây, hình thù méo mó khác thường. Nhưng khi hái xuống, xẻ ra vẫn có ruột, ăn thử thấy vẫn ngon. Trong đầu ông lóe lên ý tưởng tạo hình cho trái cây.
“Ban đầu tôi thắt dây giữa trái để tạo hình hồ lô, rồi tự mày mò làm khuôn cho ra trái bưởi vuông, bưởi hình con gấu. Trải qua vài lần thất bại, cuối cùng tôi cũng có được trái bưởi tạo hình, tuy chưa vừa ý lắm”, Ba Thành nhớ lại.
Trong ba hình mẫu trái cây, ông thấy hình vuông và con gấu có khác lạ nhưng lại không có nghĩa gì. Riêng trái hồ lô thì vừa đẹp, vừa có ý nghĩa đặc biệt. “Vì khi tôi làm thành công trái bưởi hồ lô thì cũng là thời điểm trên truyền hình đang chiếu bộ phim Tây Du Ký, nhân vật trong phim cầm hồ lô trên tay có thể hút được vạn vật vào trong và biến hóa khôn lường. Thế là tôi quyết định chọn mẫu này để phát triển”, Ba Thành mãn nguyện khi nói về ý tưởng của mình.
Có trái bưởi hồ lô nhưng do cách làm là thắt dây nên vẫn chưa đẹp, ông nghĩ đến chuyện làm khuôn để SX hàng loạt và trong đầu lúc nào lúc nào cũng vang vang mấy chữ “bưởi hồ lô”.
Đem ý tưởng này đến sinh hoạt CLB Khuyến nông ấp, ông bị cán bộ khuyến nông gạt đi: “Hôm nay là buổi sinh hoạt chuyên đề trồng bưởi VietGAP, anh không thích tham gia thì thôi, chứ tối ngày nói bưởi hồ lô làm gì”. Ông lại gợi ý mọi người hùn tiền để làm khuôn nhưng cũng chẳng ai ủng hộ.
Ông quyết định về tự đầu tư làm một mình. Đến công ty nhựa miền Tây đặt vấn đề đúc khuôn, bị hét giá “4.000 USD, lúc đó tương đương 78 triệu đồng”, ông xanh mặt. Một lần nữa nhiệt huyết của Ba Thành bị dội thêm gáo nước lạnh. Vì số tiền quá lớn, trong khi chưa biết thành bại ra sao, thị trường có chấp nhận không?
Ông Ba Thành giới thiệu về sản phẩm bưởi hồ lô và dưa hấu hồ lô. |
Về nhà một thời gian, ông nặn một trái bưởi hồ lô bằng đất, rồi khăn gói lên tận TP HCM, đi lang thang khắp các công ty nhựa tìm nơi đúc khuôn nhưng chẳng chỗ nào chịu làm. Cả tuần rong rổi, cuối cùng ông được một chỗ chuyên làm bao bì nhận mẫu.
Có khuôn, ông vui mừng bắt tay vào SX lứa bưởi hô lô đầu tiên và thành công ngoài mong đợi. Trái bưởi hồ lô cân đối, đẹp chẳng khác gì hồ lô trong phim Tây Du Ký.
Có được thành công, Ba Thành tiếp tục làm mới trái bưởi hồ lô của mình bằng cách thêm chữ “Tài, Lộc”, “Phúc, Lộc, Thọ”. Nghe đơn giản vậy nhưng cũng phải mất mấy lần thất bại ông mới nghiên cứu tạo được chữ màu vàng nổi bật trên vỏ quả bưởi hồ lô.
Ba Thành chia sẻ kinh nghiệm: “Lúc đầu chỉ tạo được chữa nổi trên trái nhưng không có màu. Tôi quan sát thấy trên trái bưởi những chỗ bị lá che lại, thiếu ánh sáng đều có màu vàng chanh rất đẹp. Từ đó tôi đã nắm được bí quyết cho ra chữ màu vàng”.
Trái bưởi hồ lô ra thị trường, tiếng tăm của Ba Thành vang dội. Chủ nhiệm CLB Khuyến nông của ấp tự nguyện xin thôi chức, Ba Thành được các thành viên bầu lên thay và CLB bưởi hồ lô Phú Trí A ra đời. Không chỉ SX trên đất tự có, các thành viên CLB còn đi mướn các vườn bưởi khắp các tỉnh, thành ĐBSCL để làm bưởi hồ lô bán vào dịp Tết.
Từ trái bưởi, được mở rộng sang dưa hấu, đào tiên và mỗi năm lại có thêm những nét mới. Từ Hà Nội, công ty Nguyễn Gia đã cho người tìm đến tận nhà Ba Thành đặt vấn đề cung cấp khuôn để SX độc quyền trái bưởi lệ cát tường (bưởi hình bàn tay). Và Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, trái bưởi lệ cát tường đã có mặt trên thị trường.
Ba Thành tâm sự trong lúc tiễn tôi ra về: “Làm nông bây giờ phải tính đến chuyện nâng cao giá trị chứ cứ chạy theo sản lượng mãi cũng chẳng ăn thua. Vì làm ra nhiều thì rớt giá. Từ trái bưởi thông thường sau khi được tạo hình đã nâng giá trị lên gấp cả chục lần”.
Từ khi CLB Trái cây tạo hình Phú Trí A ra đời, đến nay đã có 26 thành viên đăng ký tham gia, đất SX 24,6 ha. Chủ nhiệm Ba Thành vừa truyền nghề vừa đứng ra vận động mọi người góp quỹ để tạo vốn giúp đỡ các thành viên mới gặp khó khăn.
Giá mỗi trái cây tạo hình thấp nhất cũng 700.000 cho đến 2- 3 triệu đồng nhưng vẫn không đủ bán. Trong gần 100 CLB khuyến nông có thu nhập cao của tỉnh Hậu Giang hiện nay, CLB trái cây tạo hình Phú Trí A luôn đứng ở tốp đầu và thuộc nhóm tỷ phú./.