GDP năm 2024 tăng 7,09% vượt mục tiêu 6,5%
VOV.VN - Theo số liệu công bố sáng 6/1 của Tổng cục Thống kê, GDP quý IV/2024 tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước đó. Kinh tế năm 2024 tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu 6,5%, nhờ động lực chính từ dịch vụ và sản xuất công nghiệp.
Như vậy, GDP 2024 tăng 7,09% so với năm 2023. Mức này chỉ thấp hơn tốc độ tăng các năm 2018, 2019 và 2022 trong 15 năm qua, cho thấy kinh tế phục hồi rõ nét.
Tăng trưởng kinh tế vượt 7% của Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, nhiều nước tăng thấp. Mức này cũng cao hơn so với dự báo của nhiều tổ chức quốc tế đưa ra trước đó.
Thực tế, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Chẳng hạn, trong báo cáo công bố giữa tháng này, HSBC gọi Việt Nam là "ngôi sao tăng trưởng" Đông Nam Á, sau khi Philippines dẫn đầu khu vực năm ngoái.
Với đà tăng trưởng này, quy mô nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành đạt 476,3 tỷ USD đến cuối 2024. GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD, tăng 377 USD so với cùng kỳ 2023. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế khoảng 9.182 USD một người, tăng 726 USD.
Theo Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá mức tăng trưởng năm 2024 là "rất tích cực" trong bối cảnh thế giới biến động khó lường, trong nước chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Đây là tiền đề quan trọng cho năm 2025 tăng tốc và về đích.
Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,63% so với năm trước đó, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4,5%).
Dịch vụ vẫn là nhóm đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế, trên 49,46%. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm khu vực này đạt 7,38% so với năm trước.
Trong khi đó, công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17% vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Còn nông, lâm nghiệp và thủy sản góp 5,37% vào tăng trưởng.
Cùng với GDP, năm ngoái, Việt Nam cũng hoàn thành 15/15 chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Nhiều địa phương tăng trưởng ấn tượng, thu ngân sách nhà nước vượt nhiều so với dự toán, như Hà Nội và TP HCM lần đầu ghi nhận thu ngân sách vượt nửa triệu tỷ đồng.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố, theo báo cáo trước đó của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Hơn 157.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn hơn 1,5 triệu tỷ đồng trong năm ngoái. Cả nước cũng có gần 76.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 30,4% so với năm 2023. Tương ứng, gần 19.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động mỗi tháng. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng gần 16.500.
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp cũng khởi sắc hơn. Quý IV/2024, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn quý trước đó tăng 5,1%, còn nhóm giữ ổn định tăng 0,4% và khó khăn giảm 5,5%.
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (6,5-7%). Về mục tiêu này, Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng; Việt Nam cần điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, lãi suất, kiểm soát giá cả. Cần hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương cũng phải tăng giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn ngoại chất lượng cao qua các chính sách ưu đãi cạnh tranh. Nhà chức trách cũng cần có giải pháp kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển.