Giá bán ô tô có thể tăng thêm 100 triệu đồng/chiếc?
VOV.VN - Chi phí nhập khẩu linh kiện và xe nguyên chiếc tăng lên khiến các hãng xe phải tăng giá bán để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá VND với USD tăng thêm mức 3%, các DN sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe đang tính toán để tăng giá ôtô. Mức tăng cao nhất có thể lên đến gần 100 triệu và thời gian có thể là vào đầu tháng 9 tới.
Toyota Việt Nam dự kiến tăng giá một số dòng sản phẩm lắp ráp và nhập khẩu vào ngày 2/3/2015 với dòng xe Altis, Vios, Innova, Fortuner tăng từ 8-23 triệu đồng/xe tùy loại. Các dòng xe nhập khẩu Yaris, Hiace, Hilux tăng từ 13-24 triệu đồng/xe. Đại diện Toyota Việt Nam cho biết, việc thay đổi giá là do ảnh hưởng của nhiều yếu tố liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh, bao gồm sự thay đổi về thuế, tỷ giá, chi phí sản xuất...
Theo các doanh nghiệp, với 2 lần điều chỉnh tỷ giá vừa qua đã gây sức ép lên giá xe, làm cho chi phí nhập khẩu linh kiện và xe nguyên chiếc, thanh toán bằng đồng USD tăng lên. Bởi theo nguyên tắc, nếu tỷ giá giữa VND với USD điều chỉnh tăng 1%, thì chi phí nhập khẩu xe cũng tăng 1%. Tương tự như vậy là với bộ linh kiện nhập khẩu.
Chi phí nhập khẩu linh kiện tăng khiến nhiều hãng xe dự kiến tăng giá bán ô tô. (Ảnh minh họa: KT) |
Hầu hết các DN ô tô đều khẳng định, sẽ điều chỉnh giá bán xe, tỷ giá thay đổi, tuy nhiên mức tăng bao nhiêu và khi nào tăng, vẫn chưa tiết lộ. Một DN ô tô FDI cho biết, có lẽ phải qua tháng 7 âm lịch mới có thông báo về giá xe mới. Bởi hiện tại nhu cầu đang giảm thấp, tăng giá sẽ càng làm cho doanh số sụt giảm. Hơn nữa vẫn phải nhìn động thái từ các DN khác. Nếu nhiều DN cùng đồng loạt tăng giá thì mới tăng.
Còn theo giám đốc một showroom bán ô tô nhập khẩu trên đường Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, đối với những các lô hàng đã được thanh toán hoặc đang trên đường nhập khẩu về, thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh tỷ giá. Chỉ những lô hàng chưa thanh toán, hoặc sắp giao dịch mới bị ảnh hưởng.
Thông thường, mỗi lô hàng nhập khẩu xe ô tô mất từ 3 – 6 tháng. Khi DN chính thức mở thư tín dụng, gửi yêu cầu đặt hàng đến nhà sản xuất thì đồng thời cũng phải mua USD để đặt cọc. Do vậy, việc đặt đơn hàng trong thời điểm này có thể bị ảnh hưởng, song việc điều chỉnh giá bán thường có độ trễ, tương ứng với thời gian đặt hàng của khách hàng.
Một vị quan chức cấp cao của một hiệp hội lớn trong ngành lại bày tỏ sự sốt ruột khi giá xe nhập khẩu bị đẩy lên cao do tỷ giá được điều chỉnh. Vị này cho biết, khi tỷ giá liên ngân hàng tăng thêm 1% và nới biên độ lên +/-3%, thì đương nhiên đồng USD sẽ bị đẩy lên cao. Như vậy, xe nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn, người bán phải tính chuyện điều chỉnh giá, người mua phải chấp nhận chi nhiều tiền Việt hơn để mua xe ô tô là tất yếu.
Điều này đồng nghĩa, việc điều chỉnh tăng giá xe ô tô trong thời gian tới là chuyện sẽ được các hãng ô tô phải tính đến để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, việc tăng giá này là tùy vào từng loại xe.
Cũng theo phân tích từ Hiệp hội trong ngành ô tô, nếu việc điều chỉnh tỷ giá dừng lại ở mức 1%, giá nhập khẩu ô tô cũng chưa bị ảnh hưởng nhiều. Nên để giữ chân khách hàng, các DN kinh doanh ô tô có thể chưa tính đến việc tăng giá. Song với mức điều chỉnh thêm 2%, nới biên độ lên +/-3%, buộc các hãng xe phải tăng giá.
“Hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, tất cả mọi thứ chứ không phải riêng ô tô. Đặc biệt là các hãng xe nhập khẩu 100% nước ngoài thì họ phải tính đến chuyện tăng giá. Việc tăng này cũng là hợp lý khi USD tăng giá nên giá bán xe không thể không tăng”, vị này nói./.