Giá cả ở Bình Dương “leo thang”, nhiều loại thực phẩm khan hiếm
VOV.VN - Do một số chợ đầu mối ở TP.HCM đóng cửa khiến một số mặt hàng tiêu dùng ở Bình Dương trở nên khan hiếm; kéo theo giá cả tại các chợ truyền thống ở Bình Dương cũng tăng gấp 2 đến 3 lần.
Thực phẩm "đội giá"
Hai ngày nay, mỗi lần đi chợ bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, ngụ ở khu dân cư K8, phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương lại thở dài ngao ngán vì giá rau củ, thịt cá đều tăng đột biến. Nếu như trước đây, giá bầu, bí, bắp cải chỉ từ 15.000-20.000 đồng/kg thì nay lên hơn 40.000 đồng/kg; cá biển lâu nay dao động 50.000-60.000 đồng/kg nay tăng 100.000-120.000 đồng/kg… Bà Ngọc cho biết, giá cả tăng cao khiến bữa ăn của gia đình không còn đầy đủ như trước đây.
“Dịch bệnh vậy mà giá cả thị trường bất ổn quá. Bây giờ, không làm được ra tiền, không đi đâu được mà giá hàng hóa còn tăng, chưa kể thức ăn, nước uống tăng mà giá xăng, ga cũng tăng lên. Mong sao giá thị trường bình ổn chút. Bình thường sao cũng được nhưng mùa dịch giá hàng hóa giảm cho dân đỡ khổ” - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Không chỉ người mua than thở, người bán cũng đau đầu khi giá cả các mặt hàng “leo thang” từng ngày.
Tại chợ Thủ Dầu Một, trước đây có hàng chục quầy bán rau củ, thịt cá nay chỉ còn khoảng 15 quầy. Theo các tiểu thương, họ tạm nghỉ bán vì không có nguồn hàng để lấy, mặt khác giá nhập về cao nên bán không lời mà còn phải đối mặt với rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19.
Anh Lê Anh Tuấn, tiểu thương bán rau ở chợ Thủ Dầu Một cho biết, giờ chỉ có 2 nguồn hàng để lấy đó là quen biết thương lái trên Đà Lạt và nhờ họ thu gom giúp chuyển về Bình Dương. Nguồn khác là một số điểm tập kết rau, củ xung quanh chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM). Cả hai nơi giá đều tăng cao nên mỗi ngày chỉ lấy một ít về bán chứ không dám lấy nhiều.
“Giá lên cao thì khách hàng rất bất ngờ. Tại vì bình thường giá rất rẻ giờ lên vì nguồn cung không có. Ở TP.HCM những mối hang của tôi họ không bán nữa phải mua nơi khác và họ bán rất cao nên không thể bán rẻ được” - anh Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Bình Dương làm gì để bình ổn thị trường?
Theo Sở Công Thương Bình Dương, nguyên nhân giá cả thực phẩm các chợ truyền thống tăng không chỉ do chợ đầu mối TP.HCM đóng cửa dẫn đến thiếu hụt nguồn hàng mà còn do người dân lo sợ nên đổ xô mua hàng dự trữ. Từ đó, dẫn đến tình trạng sức mua tăng đột biến, vượt quá năng lực cung ứng tạm thời của doanh nghiệp.
Hiện, Sở Công Thương đang phối hợp với Cục Quản lý thị trường Bình Dương triển khai lực lượng kiểm tra lại giá tại các chợ, siêu thị không để tăng giá bất thường. Qua kiểm tra, giá cả thực phẩm ở các chợ tăng cao nhưng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn ổn định.
Ông Nguyễn Thanh Toàn- Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không để người dân thiếu các mặt hàng và đảm bảo bình ổn thị trường”, đơn vị đang phối hợp với các siêu thị, đặc biệt là Co.opmart, Big C cung ứng đầy đủ cho người dân; liên kết với các tỉnh đưa nguồn hàng về Bình Dương. Ngoài 107 chợ truyền thống, Bình Dương có 12 siêu thị, 278 cửa hàng tiện lợi, 5 trung tâm thương mại nên người dân có nhiều cơ hội để lựa chọn.
“Hiện nay, hệ thống cung cấp thực phẩm cho người dân đảm bảo, đề nghị người dân bình tĩnh không nên tập trung đông người để phòng chống dịch. Người dân nên đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi để được cung cấp mặt hàng theo đúng quy định với bảng giá được niên yết, đảm bảo nhu cầu đời sống của người dân” - ông Nguyễn Thanh Toàn nói.
Ngoài việc điều tiết hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, các ngành, địa phương ở Bình Dương cũng đang khuyến khích các đơn vị kinh doanh online để giảm lượng người tập trung mua sắm nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh./.