Giá dầu thế giới giảm, xăng trong nước sẽ còn giảm nữa?
Giá xăng dầu bán lẻ trong nước cho đến nay cũng đã giảm trên 20% và dự báo sẽ còn giảm tiếp.
Giá dầu thô thế giới lao dốc mạnh sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) trong cuộc họp ngày 27/11 tại Austria tuyên bố không cắt giảm sản lượng bất chấp tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu. Giá xăng dầu bán lẻ trong nước cho đến nay cũng đã giảm trên 20% và dự báo sẽ còn giảm tiếp.
Bên cạnh những đánh giá tích cực về việc giá xăng dầu giảm có lợi cho nhiều ngành sản xuất kinh doanh và có lợi cho nền kinh tế nước nhà, cũng có không ít ý kiến lo ngại về nguy cơ giảm thu ngân sách, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí bị ảnh hưởng và biểu hiện rõ nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm điểm mạnh sau quyết định của OPEC.
Ngoài lĩnh vực vận tải được hưởng lợi rõ nhất từ việc giảm giá xăng dầu thì hàng loạt những lĩnh vực khác như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, luyện kim, đánh bắt thủy sản… cũng được lợi khi xăng dầu hiện chiếm từ 20% - 30% chi phí đầu vào.
Ngoài ra, giá xăng dầu giảm cũng sẽ giúp các hộ gia đình bớt được một khoản chi tiêu không nhỏ cho việc đi lại hàng ngày, qua đó sẽ kích thích tiêu dùng nhờ có khoản tiền dôi ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh dầu thô đóng góp tới gần 1/4 số thu ngân sách hàng năm và việc xuất khẩu mang về một lượng ngoại tệ không nhỏ đảm bảo cân đối cán cân thương mại thì việc giá dầu giảm khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, đến cân đối vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, hàng năm chúng ta cũng phải nhập về một lượng không nhỏ xăng dầu thành phẩm và chỉ riêng mặt hàng xăng hiện chịu thuế suất nhập khẩu 20% thì số thuế thu được cũng là không nhỏ.
Vì vậy, việc giảm giá xăng dầu một lần nữa lại làm giảm thu cho ngân sách ở khâu nhập khẩu. Điều này có tác động đáng kể tới kế hoạch chi ngân sách, đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên và chi hỗ trợ cho những đối tượng chính sách./.