Giá đường sẽ ổn định

Tính đến 15/8, lượng đường dự trữ của nước ta còn gần 127.000 tấn

Theo ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam, giá đường trong nước sẽ ổn định đến hết tháng 9, trước khi các nhà máy đường bước vào vụ sản xuất 2010-2011 vào tháng 10.

Ông Phái cho biết, tính đến ngày 15/8, lượng đường dự trữ của nước ta còn gần 127.000 tấn. Trong khi đó, có thể từ ngày 15/9, các nhà máy đường ở ĐBSCL sẽ bắt đầu vào vụ sản xuất đường 2010-2011, còn các tỉnh khác chậm nhất là cuối tháng 10 sẽ vào vụ nên không lo thiếu đường trong những tháng cuối năm.

Theo số liệu của Hiệp hội mía đường Việt Nam, từ 15/7 đến 15/8 lượng đường được bán ra trên thị trường là 46.100 tấn, trong khi thời điểm này năm ngoái (phục vụ mùa bánh Trung thu) lượng đường bán ra là 100.000 tấn.

Lý giải về việc lượng đường bán giảm trong mùa Trung thu, ông Phái cho rằng do nhiều công ty sản xuất trực tiếp các mặt hàng như bánh kẹo, nước giải khát được Bộ Công Thương cho phép nhập khẩu đường trực tiếp, rồi những công ty nhập khẩu đường để tham gia bình ổn giá trong hạn ngạch 300.000 tấn đường của năm 2010.

“Vấn đề hiện nay là Bộ Công Thương phải làm sao thúc đẩy những công ty được phép nhập khẩu đường tiếp tục nhập đủ số lượng như đã được phân bổ, có như vậy mới mong ổn định giá đường”, ông Phái nói.

Tuy nhiên, diễn biến giá đường từ đầu năm nay có những biến động tăng giảm bất thường. Cụ thể, cuối năm 2009 giá đường thế giới đạt mức 900 USD/tấn, đến tháng 3-2010 đột ngột giảm xuống chỉ còn 470 USD/tấn, nhiều công ty chưa kịp nhập khẩu thì giá đường lại tăng lên mức 800 USD/tấn trong tháng 7.

Theo bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đường Biên Hòa, hiện đường tại các nước trong khu vực ASEAN không còn nhiều, muốn nhập đủ số đường buộc phải nhập khẩu từ Brazil hoặc các nước Nam Mỹ khác với mức thuế từ 30-40%, do đó nếu nhập về thì giá bán sẽ trên 18.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với hiện tại.

Niên vụ sản xuất đường 2010-2011 Hiệp hội đường Việt Nam dự đoán sản lượng ước chừng 900.000 tấn, bằng với niên vụ 2009-2010. Như vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 300.000 tấn trong năm 2011./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
// POLL JS