Giá đường trong nước tăng mạnh
Dù đã vào vụ đường nhưng giá bán mặt hàng này trên thị trường có xu hướng tăng. Lượng đường tồn kho tại các nhà máy đến giữa tháng 10 là 20.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 19.400 tấn.
>> Giá đường tác động đến giá bánh kẹo và bánh Trung thu / Giá đường sẽ ổn định
Tại một số siêu thị ở Hà Nội như Fivimart, Hapromart, Intimex, Sao Hà Nội… giá đường bán lẻ cao hơn tháng trước 2.000 đến 2.500 đồng/kg. Cụ thể: đường tinh luyện hiệu Biên Hòa của Công ty Cổ phần đường Biên Hòa có giá từ 22.500 đồng đến 22.900 đồng/kg; nhãn hiệu đường Thành Công của Công ty cổ phần sản xuất thương mại Hà Nội là 20.800 đồng/kg.
Giá bán buôn mặt hàng này cũng ở mức khá cao. Tại TP HCM, giá bán buôn đường kính trắng là 19.500 đồng/kg Tại Hà Nội, từ 19.100 - 19.500 đồng/kg và tại miền Trung là 19.000 đồng/kg.
Theo ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường tăng, một phần do tác động của giá đường thế giới đang lên. Sản lượng đường niên vụ vừa rồi trên thế giới hao hụt gần 5 triệu tấn, nên không chỉ Việt Nam mà ở các nước tiêu thụ nhiều đường như Thái Lan, Trung Quốc hay Mỹ... cũng tìm cách nhập khẩu thêm đường để dự trữ, khiến giá đường cứ leo dần lên và có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Lâu nay để kiềm chế việc tăng giá đường, Bộ Công thương vẫn áp dụng biện pháp là khi giá đường cao thì cho nhập về. Hiện, Bộ Công thương cho phép nhập 300.000 tấn, nhưng vẫn còn 100.000 tấn chưa nhập, khiến lượng đường trong nước trong tháng 10 thiếu hụt so với nhu cầu, nhất là thời điểm các nhà máy đường chưa bước vào vụ sản xuất mới.
Ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng: “Khoảng nửa đầu tháng 11 có thể giá đường sẽ tăng vì chưa thể hình dung hết được thiên tai như thế nào, lượng nhập khẩu về được bao nhiêu. Các doanh nghiệp sẽ cố gắng hợp tác với nhau để cung ứng đường ra thị trường đều đặn theo khả năng và góp phần cùng nhà nước kiềm chế lạm phát”.
Tác động mạnh nhất của việc giá đường tăng trong thời điểm giáp Tết phải kể đến các doanh nghiệp sản xuất bánh, kẹo, nước giải khát. Đầu năm nay giá đường bán buôn chỉ ở mức trên 12.000 đồng/kg thì hiện nay giá tăng lên hơn 19.000 đồng/kg, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chi phí sản xuất trong khi giá bán bánh kẹo không tăng nhiều.
Ông Nguyễn Danh Tùng, Phó trưởng phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hải Hà cho biết: “Đường chiếm tỷ lệ 40 đến 60% thành phần của kẹo. Giá đường tăng liên tục, bánh kẹo có tăng nhưng tăng ít, không thể tăng theo tỷ lệ giá đường. Vừa qua chúng tôi phải nhập khẩu đường, nhưng tỷ giá biến động và giá đường thế giới tăng nên đến giờ giá đường nhập khẩu cũng ngang với giá đường trong nước”.
Theo nhận định của ngành chức năng, lượng đường tiêu thụ trong nước trung bình mỗi năm khoảng 1,3 – 1,4 triệu tấn. Nhưng vụ mía 2010-2011, kế hoạch sản xuất 1 triệu tấn rất khó hoàn thành, diện tích trồng mía tập trung để cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất của các nhà máy đường vụ ép 2010-2011 của cả nước là khoảng 250.000 ha, chỉ tăng 3,4% so với vụ ép trước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá đường trong nước tăng trong thời gian qua.
Trong thời điểm giá đường trong nước cũng như giá đường trên thế giới tăng mạnh như hiện này thì việc bình ổn giá là rất cần thiết nhằm tạo sự ổn định cho thị trường và kiềm chế lạm phát./.