Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm… bất thường
VOV.VN -Thời điểm hiện nay, giá gạo Việt Nam giảm là hiện tượng không bình thường khi mà nhiều quốc gia “đối thủ” vẫn giữ giá cao, thậm chí tăng vọt.
Thông tin từ Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, bước sang tuần thứ 2 tháng 4/2016, giá xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục giảm. Hiện giá gạo 5% tấm chỉ còn hơn 370 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với tuần trước và so với tháng 3/2016.
Giá lúa tăng, giá gạo lại giảm
Mức giảm này, theo Ban chỉ đạo, “đây là hiện tượng không bình thường khi nhiều quốc gia “đối thủ” vẫn giữ giá xuất khẩu gạo ở mức cao, thậm chí tăng vọt. Trong khi đó giá lúa trong nước lại đang tăng. Sự “lạc điệu” này đang dồn đẩy người nông dân đối mặt với nhiều nguy cơ”.
Giá gạo Việt xuất khẩu giảm trong khi giá lúa tăng (Ảnh minh họa: KT) |
Hiện nhiều quốc gia giữ giá gạo ở mức cao, như Ấn Độ 380 USD/tấn hay Campuchia 460 USD/tấn (gạo 5%), một số lại có chiều hướng tăng thêm bình quân 5 USD/tấn như Thái Lan, Pakistan. Mặc dù giá gạo Việt Nam sụt nhưng giá lúa thì tiếp tục tăng.
Theo các chuyên gia, lúa tăng giá chủ yếu là do nhu cầu tăng mạnh (tác động tâm lý hạn hán và xâm nhập mặn) và cung cấp giảm (do kết thúc vụ). Giá lúa đang tăng, nhưng nhiều nhà nông học lại lo vì cho rằng, giá lúa tăng như hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ trước mắt và lâu dài đến nông dân trồng lúa. Trước mắt, giá lúa tăng sẽ khiến nông dân mạnh dạn “xé rào” xuống giống vào đỉnh điểm nắng hạn như hiện nay. Điều này không chỉ khiến cho tình hình khô hạn, nạn thiếu nước tưới càng thêm trầm trọng, mà còn khiến chi phí đầu vào tăng vọt, năng suất giảm.
Diễn biến cụ thể thị trường trong nước, tại khu vực ĐBSCL đã bớt nóng, giá lúa tuần qua có xu hướng chững lại, thậm chí giảm nhẹ so với tuần trước do các kho gạo của doanh nghiệp hiện đã đầy hàng nên ngừng thu mua lúa. Tại Đồng Tháp, giá lúa tươi thu mua tại đồng đang giảm mạnh so với cách đây khoảng 2 tuần, với mức giảm trung bình từ 500 - 800 đ/kg (lúa tươi). Cụ thể: lúa Jasmine 85 khoảng 5.200 đ/kg, OM 4900 giá 4.900 - 5.200 đ/kg; Nàng hoa 9 giá 5.400 đ/kg; lúa thường IR 50404 giá 4.500 đ/kg… Hầu hết các giống lúa đều giảm, trung bình so với cách đây 2 tuần.
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, diễn biến giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL tuần qua: tại An Giang, lúa tươi IR50404 giảm từ 5.000 đ/kg xuống còn 4.800 đ/kg; lúa OM 2514 giảm từ 5.100 đ/kg xuống còn 5.00 đ/kg. Tại Vĩnh Long, lúa tươi IR50404 giảm từ 5.000 đ/kg xuống còn 4.700 đ/kg. Tại Bạc Liêu, lúa tươi ổn định ở mức 5.000 – 5.400 đ/kg.
Riêng tại Kiên Giang, hạn, mặn nghiêm trọng đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất lúa, nguồn cung giảm mạnh do doanh nghiệp thu mua nhiều để tạm trữ đã khiến giá lúa ở đây tăng mạnh trong tuần qua, lúa tẻ thường từ 5.200 đ/kg lên 5.800 đ/kg; lúa dài từ 6.300 đ/kg lên 6.600 đ/kg.
Dự trữ giảm, nhiều nước sẽ tăng mua tích lũy gạo
Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) cảnh báo, hạn hán kéo dài do hiện tượng thời tiết El Nino có thể khiến dự trữ ở các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Tổng dự trữ gạo của các nước xuất khẩu hàng đầu gồm Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ có thể giảm xuống mức 19 triệu tấn vào nửa cuối năm 2016, từ mức đỉnh 41 triệu tấn vào năm 2013. Kho dự trữ gạo giảm sẽ khiến các nước hạn chế xuất khẩu gạo.
Mặc dù hiện tượng El Nino đang suy yếu nhưng lại gây ra hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nơi của châu Á, làm khô cạn nguồn nước tưới và tàn phá các vụ mùa. Việc các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới bao gồm Ấn Độ, hạn chế xuất khẩu gạo vào năm 2008 đã gây ra cơn hoảng loạn trên thị trường, buộc các nước nhập khẩu gạo như Philippines phải đẩy mạnh mua gạo với số lượng lớn, khiến giá gạo tăng gần gấp ba lần. Sau đó, nhiều nước nhập khẩu gạo và xuất khẩu gạo, chủ yếu ở châu Á, đã củng cố kho dự trữ gạo để tránh một cuộc khủng hoảng tương tự.
Tuy nhiên, dự trữ gạo toàn cầu đang trên đà giảm kể từ năm 2013. IRRI dự đoán dự trữ gạo tổng cộng của Ấn Độ và Thái Lan, hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới sẽ ở mức 16 triệu tấn vào quý III năm nay, thấp hơn 70% so với cùng kỳ năm 2013.
Nếu sản lượng gạo bị ảnh hưởng do mùa mưa kém, Ấn Độ sẽ thận trọng trong xuất khẩu. Điều này sẽ khiến các nước nhập khẩu gạo lớn như Philippines và Indonesia gia tăng mua tích lũy gạo, tương tự như những gì đã xảy ra vào năm 2008. Philippines đang cân nhắc nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm nay để bổ sung thêm cho các kho dự trữ gạo quốc gia./.