Giá sữa dự kiến sẽ có đợt tăng mới trong tháng 4

Trong tháng 3, giá sữa nguyên liệu trên 2 thị trường sữa lớn nhất thế giới đã giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm. Tuy nhiên giá sữa trong nước tăng liên tục 

Theo Bộ Công Thương, giá sữa tại thị trường thế giới tháng 3 nói riêng và trong cả quý I đều giảm so với tháng trước và cuối năm ngoái.
 
Theo đó, giá sữa bột gầy tại thị trường châu Úc ở mức 3.000 - 3.400 USD/tấn, giảm 100-200 USD/tấn; tại thị trường Tây Âu đứng giá ở mức 2.750 - 2.925 USD/tấn, giảm 150-200 USD/tấn.
 
Giá sản phẩm sữa nguyên kem tại thị trường châu Úc là 3.375 - 3.650 USD/tấn, giảm 25-50 USD và tại thị trường Tây Âu là 3.400 - 3.700 USD/tấn, giảm 125-225 USD/tấn.

Như vậy trong tháng 3, giá sữa nguyên liệu trên 2 thị trường sữa lớn nhất thế giới đã giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm. Còn tính chung cả quý I, giá sữa nguyên kem tại thị trường châu Úc và Tây Âu đều giảm lần lượt là 25-100USD/tấn và giảm 200-275 USD/tấn; giá sữa bột gầy tại thị trường Tây Âu giảm 75-250 USD/tấn.

Thế nhưng, giá sữa tại thị trường Việt Nam, kể cả sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (nằm trong danh mục mặt hàng phải đăng ký giá và phụ thuộc vào giá nhập khẩu) đã liên tục tăng từ đầu năm đến nay.
  
Từ ngày 16/2, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood tăng 9%-10% đối với 4 sản phẩm. Mới đây nhất, ngày 12-3, Công ty Netstle Việt Nam tăng giá 12% đối với một sản phẩm.

Điều đáng nói là giá sữa trong nước đang và sẽ tiếp tục đi ngược giá thế giới, bởi trong tháng 4 này, nhiều doanh nghiệp sữa lại “rủ nhau” tăng giá. Một tổng đại lý lớn ở Hà Nội cho biết đã nhận được thông báo tăng giá đối với nhiều sản phẩm trong tháng 4, kể cả mặt hàng sữa nhập khẩu và sữa sản xuất trong nước.

Theo đó, sữa Friso Gold sẽ tăng giá 7%-8% do thay đổi mẫu mã bao bì, với sữa hộp 900 g có giá mới là 415.000 đồng/hộp. Sữa bột Meiji cũng sẽ tăng giá 15%, trong đó sữa hộp Meiji Gold số 3 sẽ tăng lên 427.000 đồng/hộp, Meiji Gold số 1 có giá 470.000 đồng/hộp. Sữa bột Milex, Abbott cũng được tăng giá, dự kiến vào nửa cuối tháng 4.

Nhìn chung, đối với các loại sữa bột đã tăng 7%-8% từ đầu năm, sẽ tiếp tục tăng giá đủ 15% trong tháng 4 này.

Có một nghịch lý là trong khi tổng cầu tiêu dùng giảm khá mạnh vì người dân cắt giảm chi tiêu, nhiều ngành hàng phải giảm giá để kích cầu thì diễn biến đối với thị trường sữa lại trái ngược hoàn toàn. Bộ Công Thương cho biết sữa liên tục tăng giá nhưng lượng mua không giảm do nhu cầu sữa vẫn có xu hướng tăng.

Việc tăng giá sữa được lý giải bằng nhiều lý do khác nhau. Lý do quan trọng nhất mà các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng này viện dẫn là chi phí đầu vào tăng cao. Có doanh nghiệp cho biết chi phí nguyên liệu và sản xuất đã tăng 20%, ngoài ra, còn có nhiều chi phí đầu vào khác cũng tăng như tiền công, tiền lương, chi phí tài chính, chi phí vận chuyển, kho bãi…/.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên