Gia tăng buôn lậu xăng dầu do chênh lệch giá
(VOV) - Giá xăng dầu trong nước đang có sự chênh lệch thấp hơn 5.000 – 6.000 đồng/lít so với các nước cùng biên giới.
Trao đổi về việc thực hiện Công điện số 02 ban hành ngày 1/3 của Bộ Tài chính gửi các đơn vị trong hệ thống ngành tài chính về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới, chiều ngày 4/3, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Công điện 02 của Bộ Tài chính đã được thực hiện trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều hành xăng dầu trong nước: Chưa tăng giá bán lẻ xăng dầu, tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn giá và các biện pháp tài chính khác để ổn định giá nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả thị trường…
Buôn lậu xăng dầu trên biển. (Ảnh: Thanh Niên online) |
Tuy nhiên, ông Lam cũng cho hay, việc giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước đã dẫn đến giá bán xăng dầu trong nước hiện hành thấp hơn giá bán lẻ xăng dầu của một số nước trong khu vực, đặc biệt thấp hơn 5.000 – 6.000 đồng/lít so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, dẫn đến khả năng buôn lậu xăng dầu qua biên giới tăng cao.
Đơn cử, ngày 2/3 vừa qua, lực lượng cảnh sát biển đã bắt giữ được vụ mua bán một khối lượng lớn – 10.000 lít dầu diezel tại vùng biển tỉnh Quảng Nam; Trước đó, ngày 1/3 tại vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng lực lượng cảnh sát biển đã bắt được vụ mua bán hơn 800m3 dầu diezel. Như vậy cho thấy, việc thẩm lậu xăng dầu qua biên giới là không nhỏ.
“Vụ bắt giữ 10.000 lít dầu diezel trong ngày 2/3 vừa qua là một trong những vụ mà chúng ta đã tích cực triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như của Ban chỉ đạo 127 trung ương từ cuối năm 2012 - khi mà chúng ta đã phát hiện việc buôn lậu đặc biệt qua tuyến Đông Bắc. Hiện nay không chỉ lực lượng cảnh sát biển mà lực lượng biên phòng, hải quan đang tích cực điều tra” – ông Lam cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thanh Lam, việc kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại về xăng dầu - nhất là việc thẩm lậu xăng dầu qua biên giới là rất khó khăn và phức tạp. Hiện nay, việc kiểm soát buôn bán xăng dầu ở khu vực vành đai biên giới thì có bộ đội biên phòng và hải quan, còn trong nội địa thì có lực lượng công an, quản lý thị trường và một số lực lượng khác… Hơn lúc nào hết, việc quản lý thị trường xăng dầu cả trong nội địa cũng như chống thẩm lậu qua biên giới đòi hỏi sự đồng thuận quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Ông Lam cũng cho rằng, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mà trước hết về cơ chế chính sách làm sao linh hoạt về giá để ổn định thị trường trong nước nhưng cũng vừa phải đảm bảo mức giá chênh lệch không quá lớn giữa Việt Nam với các nước có cùng đường biên giới. Khi giá xăng dầu không còn chênh lệch quá lớn thì tình trạng buôn lậu sẽ giảm đi.
Bên cạnh đó, theo ông Lam, cần tăng cường kiểm tra kiểm soát xử lý nghiêm và triệt để tất cả các hành vi vi phạm. Đặc biệt trong quá trình kiểm tra, kiểm soát phải phối kết hợp tốt giữa các lực lượng, giữa các địa phương và trung ương, giữa các lực lượng chức năng thì mới xử lý được vấn đề. Đồng thời, phải làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật, tạo được chính sách cho bà con cư dân biên giới có công ăn việc làm cũng sẽ giảm được việc trực tiếp tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu xăng dầu.
“Việc hợp tác tốt giữa cơ quan chức năng của các nước có chung đường biên giới sẽ nắm bắt được thông tin và tranh thủ được sự hỗ trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó phải xây dựng được một lực lượng chức năng chống buôn lậu đủ mạnh, thực thi công vụ với một tinh thần trách nhiệm cao, không nhũng nhiễu, không tiêu cực, xử lý triệt để các vi phạm, cùng với nhận thức của các cấp chính quyền địa phương, người dân và các bộ ngành mới có thể giảm bớt được tình trạng buôn lậu” - ông Lam khẳng định./.