Gia tăng giá trị chè xuất khẩu Việt Nam
Mỗi năm Việt Nam sản xuất 180.000 tấn chè, trong đó xuất khẩu 130.000 tấn, đạt kim ngạch 179 triệu USD, xếp thứ 5 trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu chè.
Theo Báo cáo tổng quan phát triển ngành chè, trong 15 năm qua, sản lượng chè khô và xuất khẩu, năng suất bình quân, diện tích vùng nguyên liệu của ngành chè Việt Nam vượt kế hoạch. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu lại liên tục giảm trong khi giá chè của nhiều nước vẫn ở mức cao.
Cả nước có 34 tỉnh, thành trồng chè với diện tích khoảng 125.000 ha. Ngành chè thu hút khoảng 6 triệu lao động tập trung tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giá chè xuất khẩu liên tục giảm. Hiện tại chỉ đạt 1,4 USD/kg, trong khi vào năm 1998, con số này là 1,52 USD/kg. Khoảng cách giá này ngày càng xa hơn so với giá trung bình ở các thị trường lớn của thế giới như: Ấn Độ, Sri Lanka, Kenya. Năm 2009, khi giá chè trung bình tại các sàn này tăng lên 2,43 USD/kg, trong khi giá chè của Việt Nam chỉ ở mức 1,23 USD/kg.
Như vậy, từ năm 1998 đến nay, giá chè xuất khẩu trung bình của thế giới đã tăng 18%, còn giá chè xuất khẩu của Việt Nam lại giảm 20%. Vì vậy, dù đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè nhưng giá thành lại thấp hơn giá trung bình trên thế giới.
Tự làm khó mình
Thương hiệu chè Việt Nam cũng chưa được khẳng định vững chắc và nhất là thu nhập của người trồng chè không được cải thiện. Bình quân, mỗi ha chè chỉ mang lại thu nhập gần 20 triệu đồng/năm, thấp hơn cả trồng lúa.
Nguyên nhân đầu tiên có thể nêu ra là do sự cạnh tranh không lành mạnh giữa chính các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận trước mắt đã sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm chè kém chất lượng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành chè Việt Nam. Thêm vào đó, hiện nay nguyên liệu mới chỉ đáp ứng được 50% khả năng chế biến của toàn ngành. Các doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm phát triển vùng nguyên liệu.
Vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Người trồng chè vì lợi nhuận tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học để tăng năng suất. Chất lượng sản phẩm không đồng đều là nguyên nhân kéo giá chè của Việt Nam xuống thấp trên thị trường thế giới.
Bà Nguyễn Thu Hằng, Giám đốc đại diện Công ty chè Ton-Kin Trading của Anh cho rằng: Chất lượng chè nước ta ngày một giảm sút. Nếu như năm 1996 đến 1999 chè đen của Việt Nam có chất lượng tốt, không có tình trạng chè bị cao lửa, ôi, mốc hay tỷ lệ sơ cao. Các mẫu chè của Việt Nam gửi đi phân tích dư lượng thuốc trừ sâu, tỷ lệ đạt qua ngưỡng được phép vào châu Âu rất cao, trên 85%. Từ năm 2000 - 2005, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong chè ngày một tăng, các nông trường và hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khá nhiều khiến chè nước ta giảm uy tín.
Bà Nguyễn Thu Hằng cũng cho rằng: một nguyên nhân nữa khiến giá chè xuất khẩu của Việt Nam thấp là do các sản phẩm chưa bắt kịp với nhu cầu luôn thay đổi của thế giới. Tiếp đến là chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm chè trên thị trường. Nguồn cung tuy dồi dào nhưng nhiều doanh nghiệp còn thiếu ý thức tuân thủ các hợp đồng dài hạn…Với tư cách là nhà nhập khẩu, bà Hằng cho biết, Công ty Chè Ton-Kin Trading sẵn sàng mua chè của Việt Nam với giá tốt hơn nếu sản phẩm có chất lượng tốt đúng như mẫu chào hàng.
Chủ tịch Hiệp hội chè Pakistan, ông Mu-ham-mad Ha-nif Ja-noo cũng cho rằng, quốc gia này có thể mua chè Việt Nam với giá cao hơn nhưng chất lượng phải ổn định. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp của Pakistan còn muốn đầu tư vào ngành chè Việt Nam, sản xuất theo yêu cầu tiêu dùng của người dân Pakistan. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có những chính sách ưu đãi về thuế đối với ngành chè.
Theo ông Mu-ha-mad Ha-nif Ja-noo, Việt Nam chưa có Trung tâm đấu giá chè, nên các nhà nhập khẩu thu mua chè vẫn chưa thực sự yên tâm. Ngành chè Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và cần có những biện pháp mạnh mẽ. Ngành chè Việt Nam cần thành lập một Trung tâm đấu giá để có thể đưa ra các chuẩn mực về giá cả và chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Chè có chất lượng sản phẩm tốt sẽ có cơ hội ở Trung tâm đấu giá, có như vậy mới khuyến khích các nhà sản xuất khác làm tốt hơn. Người mua sẽ có cơ hội để mua sản phẩm chè với chất lượng đa dạng và họ sẽ cảm thấy thoải mái về điều đó.
Hướng đi nào cho chè?
Ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông- Lâm- Thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng: Sắp tới, ngành chè cần phải phát triển trên cơ sở thiết lập mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa doanh nghiệp chế biến với người trồng chè. Bên cạnh đó, nên chú trọng vào sản xuất các loại chè chất lượng cao thay vì quá quan tâm đến số lượng. Ngành chè cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, địa phương cũng như Hiệp hội nhằm đưa ra hướng đột phá nâng cao chất lượng chè Việt Nam và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về định hướng phát triển ngành chè Việt Nam trong thời gian tới, ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục chế biến Thương mại Nông Lâm Thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị: “Về công tác quy hoạch, các tỉnh cần ra soát lại diện tích trồng chè, tăng cường quản lý kỹ thuật để nâng cao chất lượng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất chè an toàn. Đồng thời, tăng cường đào tạo cho đội ngũ khuyến nông, trên cơ sở đội ngũ khuyến nông đó hướng dẫn nhân dân sản xuất chè sạch, chè an toàn”.
Để tăng chất lượng từ đó đẩy giá chè xuất khẩu của Việt Nam cao hơn trong thời gian tới các cơ quan chức năng phải rà soát lại tất cả các cơ sở sản xuất chè và xác định điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp Hiệp hội Chè quản lý chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè nhằm bảo đảm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật không vượt quá quy định của các thị trường lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, ngành chè cũng cần chú trọng sản xuất các loại chè đặc sản, chất lượng cao phù hợp quy mô từng vùng nguyên liệu, từng địa phương, thay vì nhiều sản phẩm chè chất lượng thấp như hiện nay. Đồng thời, thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp chế biến với người trồng chè, phát triển công nghiệp chế biến hiện đại với đầu tư công nghệ truyền thống để tạo ra những sản phẩm chè tốt nhất. Ngoài ra, cần phân tích và nghiên cứu thị trường trọng tâm, thị trường tiềm năng, từ đó định hướng, điều chỉnh sản lượng chè và thiết kế sản phẩm, mẫu mã cho phù hợp./.