Giá than tăng gây áp lực tăng giá điện
(VOV) - Mức giá than tăng thêm từ 28% đến 41,93% khiến chi phí ngành điện phải trả lên tới 890 tỷ đồng.
Sau khi Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện từ 0 giờ ngày 15/9, với các mức giá tăng thêm từ 28% đến 41,93%, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch huy động sản lượng các nhà máy nhiệt điện chạy than (từ ngày 15/9 đến 31/12/2012), chi phí ngành điện phải trả do giá than tăng lên lần này là 890 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính theo sản lượng huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than dự kiến cho 3 năm tới, chi phí phát điện do giá than tăng lên như sau: năm 2013 là 3.410 tỷ đồng; năm 2014 là 4.523 tỷ đồng và năm 2015 là 6.524 tỷ đồng.
Trong khi đó, những năm 2010-2011, EVN phải thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện thủy điện gặp khó khăn về khô hạn, nên phải huy động các nguồn điện giá thành cao để đáp ứng nhu cầu, mà khoản tăng thêm này (khoảng 11.500 tỷ đồng) vẫn chưa được tính vào giá bán điện hiện nay và khoản chênh lệch do biến động tỷ giá từ năm 2011 trở về trước (trên 26.000 tỷ đồng) cũng chưa được phân bổ vào giá điện.
Đặc biệt, khi các nhà máy điện đang vận hành theo thị trường, giá trần tính toán cho thị trường điện vào năm tới cũng phải được tính toán lại theo giá than mới. Thêm áp lực tăng giá bán than cho sản xuất điện lần này sẽ tiếp tục khiến chi phí cho sản xuất điện tăng lên, từ đó gây áp lực tăng giá điện.
Lý giải về việc tăng giá than cho sản xuất điện lần này, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin Nguyễn Văn Biên cho biết, quyết định điều chỉnh giá bán than của Vinacomin được thực hiện sau khi có sự đồng ý của Chính phủ về chủ trương điều chỉnh giá than cho sản xuất điện theo thị trường các năm 2012-2013.
Các tính toán cho thấy, với các mức điều chỉnh tăng như trên, giá than bán cho ngành điện ở mức dưới 50% giá thành, tăng lên mức tương đương 70% giá thành than năm 2011. Doanh thu ước tính của Vinacomin trong năm nay theo đó có thể tăng thêm khoảng 600 tỷ đồng. Đây là đợt tăng giá bán than vào sản xuất điện lần thứ hai tính từ đầu năm đến nay và cũng là đợt tăng giá mạnh nhất.
Hiện giá than cám 6b là 585.000 đồng/tấn (tăng 28%), than cám 5b là 762.000 đồng/tấn (tăng 31,15%); than cám 4b là 1.006.000 đồng/tấn (tăng 34,13%); than cám 6a là 701.000 đồng/tấn (tăng 34,54%) và than cám 5a tăng mạnh nhất là 880.000 đồng/tấn (tăng 41,93%). Trong lần tăng giá trước đó vào ngày 1/7, giá than bán cho ngành điện có mức tăng khoảng 10%-11,5%.
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên ước tính, sau hai lần tăng giá, doanh thu của Vinacomin sẽ tăng thêm khoảng 800-900 tỷ đồng.
Hiện thông tin về việc Vinacomin quyết định tăng giá bán than vào sản xuất điện thêm từ 28%-41,93% được đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đồng ý giảm thuế xuất khẩu than xuống còn 10%./.