Giá trị tiêu thụ thực phẩm hằng năm chiếm khoảng 15% GDP
(VOV)-Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết thông tin này sáng 11/6.
Sản xuất thực phẩm an toàn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững. Đây là chủ đề hội thảo do Báo Công Thương, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức sáng 11/6, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, ngành công nghiệp thực phẩm từng bước đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân, thay thế nhập khẩu và tham gia xuất khẩu. Hiện nay, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đạt khoảng 20% tổng sản lượng nội địa. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm luôn chiếm khoảng 15% GDP.
Các ý kiến đưa ra tại hội thảo cũng cho thấy, ngành công nghiệp chế biến tại Việt Nam đang có tiềm năng và cơ hội phát triển. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chỉ nhìn lợi ích trước mắt, sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, sẽ khiến người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu và sự tồn tại của doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Bá Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty Dầu thực vật Cái Lân, sản xuất sản phẩm an toàn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và khẳng định thương hiệu bền vững: “Sản xuất sản phẩm không đảm bảo sẽ khó phát triển. Tại doanh nghiệp, tất cả quá trình tự động hóa 100%. Các công đoạn khép kín đều phải kiểm tra nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất. Vệ sinh an toàn thực phẩm phải đặt lên hàng đầu. Ngoài việc đảm bảo dinh dưỡng còn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là chuyện sống còn”.
Mặc dù có tiềm năng và cơ hội phát triển, song ngành công nghiệp thực phẩm của nước ta còn nhiều hạn chế. Nguyên liệu phần lớn là nhập khẩu. Hiện ngành sữa nhập khẩu nguyên liệu tới 75%, dầu ăn là 90%... Một số doanh nghiệp nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu; nhỏ lẻ, phân tán; đầu tư hạn chế; chất lượng không cao.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, để ngành công nghiệp chế biến Việt Nam phát triển, cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ phát triển vùng nguyên liệu đến các chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ cao. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới công nghệ, tăng năng suất, đặt chất lượng an toàn thực phẩm lên trên hết.
“Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm là ngành dễ tham gia. Điểm bất lợi là dễ có các doanh nghiệp nhỏ tham gia, nhưng khó áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại. Tiến tới việc sáp nhập, nhiều cơ sở thủ công nhỏ sẽ thay thế bằng các doanh nghiệp lớn, đầu tư khoa học công nghệ. Sản phẩm có chỗ đứng hay không, cốt lõi là chất lượng. Vì ngành này có đặc thù là liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng. Xác định được điều đó doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, đưa ra giải pháp, thiết bị hiện đại”- ông Cường phân tích.
Bộ Công Thương xếp ngành công nghiệp thực phẩm vào nhóm ngành có lợi thế cạnh tranh và có định hướng, chiến lược phát triển. Thời gian tới Bộ Công Thương và các ngành liên quan tiếp tục ban hành chính sách khuyến khích phát triển phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thực phẩm phát triển bền vững tại thị trường nội địa và từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài./.