Giá vàng 2015 lao dốc, nhưng trong nước vẫn rất cao so với thế giới
VOV.VN -Sau 1 năm, vàng SJC bốc hơi gần 3 triệu đồng/lượng, nhưng vẫn giữ khoảng chênh so với vàng thế giới trung bình khoảng trên 3 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên giao dịch cuối năm (31/12), giá vàng SJC được niêm yết mua – bán tại Hà Nội 32,20-32,70 triệu đồng/lượng, tại TPHCM 32,20-32,72 triệu đồng/lượng. So với giá khởi điểm đầu năm 34,95-35,17 triệu đồng/lượng tại TPHCM và 34,95-34,19 triệu đồng/lượng tại Hà Nội, sau một năm, giá vàng SJC giảm 2,75 triệu đồng/lượng tại TPHCM, giảm 2,45 triệu đồng/lượng tại Hà Nội.
Trên thị trường thế giới, vàng chốt phiên cuối năm ở mức 1.061 USD/oz, giảm 128 USD/oz so với giá đầu năm 1.189 USD/oz.
Nhìn lại diễn biến cả năm của giá vàng cho thấy, thị trường vàng cả trong nước và thế giới cùng theo xu hướng giảm, nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn vàng thế giới rất nhiều.
Giá vàng SJC liên tục “đổ đèo”
Năm 2015, giá vàng khởi đầu ở mốc mua – bán 34,95- 35,17 triệu đồng/lượng ngày đầu năm. Sau 2 tháng đã lập đỉnh của năm ở mốc 35,40-35,67 triệu đồng/lượng, để rồi sau đó liên tục vẽ xu hướng giảm giá rõ nét kéo dài cho đến phiên cuối năm.
Diễn biến của giá vàng SJC (màu xanh lam phía trên) và diễn biến giá vàng thế giới quy đổi (màu đỏ) trong năm qua. Ảnh:btmc |
Mặc dù xu hướng giá giảm nhưng chênh giá mua – bán vàng SJC lại theo xu hướng tăng. Nếu như đầu năm chỉ khoảng 200.000 đồng/lượng thì cuối năm đã tăng lên trên 300.000 đồng/lượng.
Trong bối cảnh giá giảm liên tục, thị trường ghi nhận cả năm không có những đợt tạo sóng như các năm trước đây. Thậm chí, kể cả những thời điểm được cho là nhạy cảm thị trường như dịp ngày Thần tài, ngày 8/3 hay 20/10… nhiều năm trước thường có tình trạng giao dịch tăng đột biến gây ra cảnh khách hàng rồng rắn xếp hàng chầu chực mua vàng. Nhưng năm nay những ngày này giao dịch cũng có tăng nhưng không còn cảnh chen lấn, chầu chực như trước.
Theo Tổng cục Thống kê, do từ khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa thương hiệu vàng SJC là thương hiệu duy nhất của vàng miếng Việt Nam trong giao dịch, do đó các tổ chức, cá nhân trong nước khi giao dịch vàng miếng phải là vàng SJC và qua hệ thống tín dụng của Nhà nước. Từ đó, “thị trường vàng được kiểm soát không còn bị “sốt”, các tổ chức đầu cơ không còn tự ý lũng đoạn giá như những năm trước”.
Bên cạnh đó, hai năm gần đây lạm phát trong nước được kiểm soát, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, nên vàng không còn đóng vai trò cất trữ quan trọng khi lạm phát cao. Nhìn từ góc độ tâm lý đầu tư, đặc biệt là ở một thị trường non trẻ như Việt Nam thì khi giá vàng liên tục suy giảm, đa số các dự báo đều kém lạc quan về triển vọng giá vàng trong ngắn hạn và trung hạn thì giao dịch kém sôi động là tất nhiên.
Vàng thế giới cũng “cúi đầu”
Giá vàng thế giới bắt đầu năm nay ở mức 1.189 USD/oz, nhưng cuối năm chỉ còn 1.061 USD/oz. Giá vàng thế giới liên tục suy giảm do tác động của đồng USD tăng giá. Thêm vào đó, thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến động, giá dầu thô giảm liên tục và chưa thấy tín hiệu sẽ tăng trở lại… gây bất lợi cho giá vàng. Hầu hết các dự báo đều kém lạc quan về xu hướng giá, nhu cầu vàng vật chất tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… cũng đều suy giảm đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư không mặn mà tìm đến vàng.
Diễn biến giá vàng thế giới năm 2015 (Nguồn: Kitco News) |
Một yếu tố quan trọng khác tác động tiêu cực đến giá vàng là trong năm 2015, nhiều ngân hàng trung ương của những nền kinh tế lớn trên thế giới đều tăng lãi suất ngân hàng đối với đồng tiền của họ để giảm áp lực lạm phát. Đây cũng chính là một đòn đau với xu hướng giá vàng. Bởi một nhà đầu tư không chuyên nghiệp cũng hiểu một nguyên tắc cơ bản là khi giá tăng lên thì chi phí để sở hữu cùng một khối lượng vàng sẽ tăng. Nếu trong nguồn vốn mua vàng đó có tiền đi vay thì chi phí đi vay tăng khi lãi suất tăng, nhà đầu tư sẽ càng phải thận trọng hơn với mỗi đợt tăng giá. Khi giá tiền tăng cao đến một mức nào đó, nhà đầu tư buộc phải bán xả vàng để giữ trạng thái an toàn vốn. Những đợt bán xả vàng này sẽ kéo giá vàng suy giảm.
Hơn nữa, trên thị trường không thể tránh khỏi tâm lý bầy đàn của nhà đầu tư, cho nên những biến động về giá thị trường hàng hóa chủ chốt khác, nếu gây bất lợi cho giá vàng sẽ khiến tâm lý này trỗi dậy và gây phản ứng tháo chạy trên thị trường.
Điều này đã phản ánh khá rõ trong phản ứng của thị trường vàng 2015. Khi chốt phiên năm, giá vàng thế giới đã kéo dài năm thứ ba liên tiếp giảm giá, và mất tổng cộng 138,3 USD/oz (tương đương 11,52%).
Vàng SJC vẫn cao ngất ngưởng so giá vàng thế giới
So sánh tương quan giá vàng thế giới và vàng trong nước cả năm qua thì thấy, nhìn chung giá vàng SJC vẫn liên tục được điều chỉnh lên – xuống theo xu hướng giá vàng thế giới.
Biên độ giao động của giá vàng thế giới cao hơn giá vàng trong nước. Đỉnh giá của vàng thế giới trong năm được thiết lập hồi háng 1 với mốc 1.302,1 USD/oz và đáy là 1.050,6 USD/oz ngày 17/12 vừa qua. Trong khi đó, giá vàng SJC vẫn neo ở mức cao hơn thế giới phổ biến từ trên 3,0 đến 4,5 triệu đồng/lượng, trong đó cá biệt có tháng 2 là mức chênh xuống mốc 2,5 triệu đồng/lượng.
Như vậy, điểm chưa tích cực của thị trường vàng trong nước là mức chênh giá vàng SJC so với giá vàng thế giới vẫn còn rất cao. Còn nhớ cách đây mấy năm (từ 2011), lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự tính sẽ thu hẹp chênh lệch giá vàng về khoảng 400.000 đồng/lượng là hợp lý. Sau đó, NHNN đã có nhiều giải pháp để nhằm giảm tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, đưa giá vàng trong nước về sát hơn với giá vàng thế giới, khoảng chênh giá dưới 2 triệu đồng/lượng là một kỳ vọng. Tuy nhiên, cho đến nay, mức chênh vẫn neo ở mức cao…một cách khó hiểu./.