Giá vàng SJC ổn định trước đà tăng mạnh của giá vàng thế giới
VOV.VN - Trong khi giá vàng thế giới tăng đến 40 USD/oz/tuần thì giá vàng SJC chỉ biến động trong khoảng 60.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC trong tuần qua không có biến động lớn. Xu hướng giảm giá ngay từ phiên giao dịch đầu tuần, vàng có sự tăng giá trở lại vào giữa tuần sau đó duy trì ở mức tăng so với chốt phiên giao dịch tuần trước đó.
Chốt phiên cuối tuần trước (9/5) giá vàng SJC đứng ở mức 34,98 – 35,04 triệu đồng/lượng (giá mua vào – bán ra), mức chênh lệch duy trì ở 60.000 đồng/lượng. Qua 1 tuần giao dịch, chốt phiên cuối tuần này, giá vàng SJC đang ở mức 35,04 – 35,10 triệu đồng/lượng theo niêm yết của Công ty VBĐQ Sài Gòn và 35,05 – 35,09 triệu đồng/lượng theo niêm yết của Tập đoàn DOJI.
Xét cùng thời điểm cuối tuần giao dịch, giá vàng SJC tuần này đã tăng thêm 60.000 đồng/lượng, mặc dù trong tuần đã có lúc giá vàng giảm về mức thấp nhất còn 35 triệu đồng/lượng và đạt mức cao nhất 35,14 triệu đồng/lượng. Điều đáng chú ý là mức chênh lệch giá mua – bán vàng tuần này ổn định trong khoảng 60.000 đồng/lượng tại thị trường Hà Nội và TP HCM.
Mặc dù giá vàng SJC trong nước đang duy trì ở mức thấp, nhưng giá mua vào và bán ra của vàng SCJ lại sự chênh lệch không lớn cho nên đã không tạo nên lực hấp dẫn cho người dân và các nhà đầu tư tham gia thị trường vàng. Tại các chi nhánh của Bảo Tín Minh Châu ở Hà Nội, trong tuần qua lượng khách đến giao dịch tương đối đông, tuy nhiên lượng giao dịch mua vào và bán ra gần như là cân bằng.
Theo Thông tư 36/2015/TT – BTC của Bộ Tài chính, bắt đầu từ ngày 7/5 các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng khác có hàm lượng vàng từ 95% trở lên sẽ phải chịu thuế xuất khẩu 2%, thay vì 0% như hiện tại.
Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang hiện nay mặc dù rất mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc. Khó khăn lớn nhất chính là giá vàng nữ trang Việt Nam lại đang cao hơn giá vàng nữ trang thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) – ông Nguyễn Thành Long cho rằng, Thông tư 36/2015/TT - BTC chỉ nhằm ngăn chặn hiện tượng xuất khẩu vàng nguyên liệu trá hình vàng trang sức. Mặt khác, vàng trang sức xuất khẩu của Việt Nam phần lớn chỉ có hàm lượng vàng đến 75%, rất hiếm vàng trang sức có hàm lượng 95 - 99%, do đó đối tượng bị ảnh hưởng từ việc điều chỉnh của Thông tư 36/2015/TT - BTC sẽ là rất hạn hẹp.
Giá vàng thế giới tăng cao nhất 4 tháng
Giá vàng thế giới tuần qua có sự biến động mạnh, xu hướng tăng giá xuyên suốt trong cả tuần khi số liệu thất vọng về niềm tin tiêu dùng Mỹ gây áp lực lên chỉ số USD khiến USD giảm so với đồng euro sau báo báo về niềm tin tiêu dùng Mỹ. Những điều này đã giúp giá vàng tăng liên tiếp và ghi nhận một tuần giao dịch có mức tăng giá lớn nhất kể từ giữa tháng 1/2015.
Giá vàng giao ngay chốt phiên tuần ngày 15/5 tăng lên mức 1.224 USD/oz. Giá vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York tăng 3% cho cả tuần lên mức 1.225 USD/oz. Tính chung trong tuần qua, giá vàng thế giới đã tăng đến xấp xỉ 40 USD/oz.
Các báo cáo gần đây đã khiến thị trường cho rằng, kinh tế Mỹ không đủ mạnh để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào tháng 6. Số liệu công bố hôm 15/5 cũng cho thấy, báo cáo niềm tin tiêu dùng Mỹ giảm mạnh hơn dự báo trong tháng này.
Peter Hall cũng nhận định rằng, các nhà đầu tư sẽ vẫn đổ tiền vào kim loại quý do những những lo về tăng trưởng toàn cầu tiếp tục ở trong vùng khó khăn.
Trong tuần qua, lượng vàng dự trữ tại SPDR Gold Trust đã giảm 0,6% xuống đáy thấp nhất trong vòng 4 tháng về mức 723,9 tấn. Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất tại châu Á cũng đang chậm lại do giá lên cao. Tại Trung Quốc, giá vàng nước này hiện chỉ cao hơn so với giá vàng thế giới 0,5-1 USD/oz, giảm 2-3 USD so với mức chênh lệch cuối tuần trước./.