Giá vàng và đô la đã bớt “nhảy múa”, nhưng không được chủ quan
VOV.VN - Giá vàng đã hết “sốt”, còn USD kém hấp dẫn, tiền Việt đang dần “lên ngôi” trong năm 2015, nhưng vẫn không thể chủ quan trong năm 2016.
Năm 2015 đang dần khép lại, thị trường vàng, USD tại nước ta được đánh giá là đã quy củ hơn và bớt “nhiễu”.
Giảm “đô là hóa”
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, năm nay thị trường tiền tệ là đầy biến động liên quan đến tỷ giá trong bối cảnh đồng USD tăng giá do kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất và Trung Quốc bất ngờ điều chỉnh mạnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ kéo theo làn sóng giảm giá mạnh của các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Vàng và đô bớt “nhảy múa” năm 2015 (Ảnh minh họa: KT) |
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những giải pháp cụ thể để chủ động dẫn dắt thị trường, xóa bỏ tâm lý kỳ vọng, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Fed tăng lãi suất và biến động của thị trường tài chính thế giới. Chẳng hạn, điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD giúp tỷ giá và thị trường ngoại hối nhanh chóng ổn định hơn, tâm lý thị trường được giải tỏa.
Để giải quyết tình trạng “đô la hóa”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có những giải pháp nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ đồng USD trên thị trường. Trong đó đáng chú ý nhất là việc giảm lãi suất đối với đồng USD, qua đó tăng tính hấp dẫn của VND, điều chỉnh lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng ở mức phù hợp nhằm hạn chế các ngân hàng đầu cơ ngoại tệ và ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN quy định các TCTD chỉ được bán kỳ hạn cho các nhu cầu ngoại tệ trước ngày thanh toán từ 3 ngày trở lên nhằm xóa bỏ tình trạng cầu ảo do các doanh nghiệp mua ngoại tệ trước hạn.
Do đó, mặc dù rất nhiều áp lực đối với thị trường ngoại hối nhưng nhờ sự điều hành hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên tỷ giá USD bình quân năm 2015 chỉ tăng 3,16% so với năm 2014.
Vàng hết “sốt”
Đối với thị trường vàng, giao dịch cả năm vừa qua không có tình trạng gây sốt thị trường. Điều này, theo Tổng cục Thống kê, do từ khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa thương hiệu vàng SJC là thương hiệu duy nhất của vàng miếng Việt Nam trong giao dịch, do đó các tổ chức, cá nhân trong nước khi giao dịch vàng miếng phải là vàng SJC và qua hệ thống tín dụng của Nhà nước.
Từ đó, “thị trường vàng được kiểm soát không còn bị “sốt”, các tổ chức đầu cơ không còn tự ý lũng đoạn giá như những năm trước”- Tổng cục Thống kê đánh giá.
Bên cạnh đó, hai năm gần đây lạm phát trong nước được kiểm soát, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, nên vàng không còn đóng vai trò cất trữ quan trọng khi lạm phát cao. Nhìn từ góc độ tâm lý đầu tư, đặc biệt là ở một thị trường non trẻ như Việt Nam thì khi giá vàng liên tục suy giảm, đa số các dự báo đều kém lạc quan về triển vọng giá vàng trong ngắn hạn và trung hạn.
Thêm vào đó, giá vàng thế giới giảm sâu do kinh tế Mỹ phục hồi, đồng đô la Mỹ mạnh lên so với các đồng ngoại tệ khác cùng với giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Nhu cầu vàng vật chất của thế giới giảm mạnh, các quỹ đầu tư đẩy mạnh bán ra cũng là yếu tố làm cho giá vàng trong nước giảm xuống. Trong nước, cả năm 2015 có 9 tháng giá vàng giảm, có tháng giảm tới gần 4%, chỉ số giá vàng năm 2015 so năm 2014 giảm 4,73%.
Đã thế, nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản và chứng khoán… đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư “quay lưng” với vàng. Thay vào đó, họ dịch chuyển dòng tiền của mình sang các thị trường khác có triển vọng hơn.
Và trong bối cảnh chung đó, có lẽ thêm một trợ lực nữa thúc đẩy nhà đầu tư quyết định xoay hướng dòng vốn là liên tục các thông điệp từ cơ quan điều hành chính sách về quản lý thị trường vàng và ngoại hối cho hay, sẽ kiên quyết giảm tình trạng “đô la hóa” trong nền kinh tế, tránh găm giữ, đầu cơ vàng và USD, nâng cao vị thế tiền Việt Nam. Những tuyên bố này đã được hiện thực hóa trên thị trường, chẳng hạn như lãi suất đồng USD đã giảm về 0 đồng…
Mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng lại phát đi thông điệp rằng, NHNN sẽ chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, để tiếp tục giảm tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế.
Chưa phải đã “hết chuyện”…
Tuy nhiên, thành công của năm 2015 không phải thị trường tiền tệ đã “hết chuyện”. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thẳng thắn nhìn nhận, trong số nhiều thách thức cho NHNN năm 2016, có thách thức về điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá. Bởi dù tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đã giảm rõ rệt nhưng thị trường luôn chịu tác động của tâm lý do những biến động của kinh tế thế giới mang lại.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2015, định hướng điều hành năm 2016 của NHNN cuối tuần vừa qua, nhìn về dài hạn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, đất nước sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển, nhưng trong ngắn hạn năm 2016, thì điều hành chính sách tiền tệ và tài chính vĩ mô sẽ khó hơn vì nhiều áp lực về lạm phát thấp, sự biến động của giá dầu thô, xu hướng của các quốc gia sẽ không nới lỏng giá trị đồng tiền và sức ép nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong nước.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để ổn định vĩ mô.
Nhiều dự báo của giới chuyên gia cả trong nước và trên thế giới cho rằng, sang năm 2016 thị trường thế giới vẫn sẽ luôn biến động và khó lường. Rõ ràng, vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất lợi đối với thị trường tiền tệ, vàng. Như thế, chúng ta không thể chủ quan./.