Giá xăng “giảm nhiệt”, doanh nghiệp vận tải ở Tây Bắc có hết lao đao?
VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng thêm đặc thù địa hình miền núi, mức giảm giá xăng hơn 1.000 đồng/lít từ ngày 1/4 vẫn chưa đủ để các DN vận tải, hành khách hết lao đao.
Trong gần 1 tháng qua, giá bán lẻ xăng, dầu liên tục tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải, hành khách ở miền núi Tây Bắc gặp không ít khó khăn. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu phần nào đã giúp hạ nhiệt giá nhiên liệu. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng thêm đặc thù địa hình miền núi thì mức giảm giá xăng hơn 1.000 đồng/lít, từ 0h ngày 1/4 vẫn chưa đủ để các DN vận tải, hành khách hết “lao đao”.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cộng thêm giá nhiên liệu tăng cao đột biến trong gần 1 tháng qua khiến không ít DN, công ty trên địa bàn tỉnh miền núi Điện Biên gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty CP Vận tải Trường Thanh, TP Điện Biên Phủ cho biết: “Công ty có gần 10 đầu xe thì đã phải tạm dừng, hoạt động cầm chừng trong gần 1 tháng nay. Thiệt hại bước đầu ghi nhận đã lên tới khoảng 300 triệu đồng khi các đầu xe không được hoạt động đầy đủ, trong khi vẫn phải duy trì tiền lương để giữ chân người lao động”, ông Thanh cho hay.
Trước thông tin giá xăng đã "giảm nhiệt" theo Nghị quyết số 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Thanh cho biết, cũng không kỳ vọng nhiều bởi mức giảm này chỉ giảm một phần khó khăn, chưa thể đủ để giúp DN bù lỗ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giá nhiên liệu tăng cao trong thời gian vừa qua.
“Khi giá xăng, dầu lên cao khiến hoạt động của DN gần như tạm dừng và chỉ duy trì để đủ trang trải cho cuộc sống. Lợi nhuận của DN giảm nghiêm trọng trong khi mức cước của vận tải chưa thể tăng. Những DN vận tải nhỏ đều chung tình trạng như vậy, chỉ mong giá nhiên liệu giảm thêm để hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn”, ông Thanh cho biết.
Công ty CP Đường bộ 226 là đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực quản lý bảo dưỡng thường xuyên đường bộ; xây dựng các công trình giao thông luôn có lượng máy móc và phương tiện tiêu hao nhiên liệu lớn. Ông Trần Quang Huy, Phó Giám đốc công ty cho biết, do ảnh hưởng của giá xăng, dầu tăng cao, một số công trình thi công trong thời gian ngắn đã không được điều chỉnh về đơn giá dự toán dẫn đến các chi phí vận chuyển, chi phí máy và đơn giá vật liệu tăng khoảng 20%.
Theo đánh giá của ông Huy, việc giảm giá nhiên liệu từ hôm nay 1/4 mới chỉ phần nào tháo gỡ khó khăn nhỏ cho DN, do đó cần được Chính phủ, các Bộ, ngành có những cơ chế điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt là đối với các khu vực vùng miền khó khăn về giao thông như Tây Bắc.
“So với mức giảm tới đây giá xăng dầu chỉ tháo gỡ được phần nào khó khăn cho DN, bởi giá xăng, dầu vừa qua tăng ở mức độ đột biến. Mong muốn của DN là cơ chế chính sách nhà nước sẽ tiếp tục tháo gỡ để hỗ trợ cho các DN, đặc biệt trong công tác xây dựng dự toán điều chỉnh giá đi sát theo điều kiện thực tế”, ông Huy đề xuất.
Ông Trần Minh Châu, ở phường Đồng Tâm, TP Yên Bái, chủ nhà xe Châu Hồng, chuyên tuyến Yên Bái - Sơn La cho biết, giá xăng dầu giảm là tín hiệu mừng nhưng mức giảm như hiện nay không cải thiện được là bao. Trong khi đó, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mỗi chuyến xe chỉ có một vài khách, lượng hàng hóa kí gửi cũng ít nên thu nhập của nhà xe giảm từ 80% - 90% so với trước dịch. Nhiều nhà xe chạy cầm chừng và gần như không có lãi, thậm chí phải bù lỗ. Đó là chưa kể giá vé còn đang điều chỉnh giảm so với trước để kích cầu việc đi lại của nhân dân.
“Sau nhiều lần tăng giá xăng cũng được điều chỉnh giảm, nhưng với mức giảm hiện nay DN vẫn rất khó khăn. Nhiều nhà xe chạy chưa có lãi nên mong muốn nhà nước tiếp tục xem xét cải thiện giá xăng dầu để hoạt động vận tải có điều kiện để khôi phục lại sau dịch”, ông Châu mong muốn.
Với 20 đầu xe chủ yếu chạy tuyến đường dài, từ sau khi Chính phủ khôi phục lại hoạt động vận tải khách đến nay, Công ty TNHH MTV Ngân Hà Lai Châu (tỉnh Lai Châu) cũng chỉ đưa vào hoạt động được 50% công suất phương tiện. Nguyên nhân được đại diện DN đưa ra là giá dầu tăng quá cao, nhu cầu đi lại của hành khách chỉ bằng 1/4 so với thời điểm trước dịch, trong khi chi phí tăng nên DN “thu không đủ bù chi”.
Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngân Hà chia sẻ, tuyến phục vụ của đơn vị chủ yếu là các tỉnh miền xuôi, với chặng đường cả đi và về trên 1.000km, chi phí xăng dầu chiếm từ 35% - 40% giá vận tải. Với mức giảm đề xuất hơn 1.000 đồng/lít, mỗi chuyến đơn vị cũng chỉ giảm được khoảng 300.000 đồng. Nhà nước có chia sẻ với DN, nhưng mức giảm như hiện nay là không đáng kể để DN phục hồi lại hoạt động vận tải như trước đây.
“DN dịch vụ hoàn toàn ở trên thế bị động. Trước thời điểm nhiên liệu tăng giá, giá vé Lai Châu - Hà Nội là 300.000 đồng kê khai ở thời điểm giá nhiên liệu 14.000 đồng/lít, nhưng giờ giá nhiên liệu tăng lên 26.000 đồng/lít nhưng giá vé vẫn là 300.000 đồng. DN đủ điều kiện để tăng thêm khoảng 30% giá cước nhưng không thể tăng được, vì hành khách chưa có nhu cầu sử dụng giá cao quá lại càng không sử dụng”, ông Tuấn cho biết.
Có thể thấy, giá nhiên liệu tăng cao vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đối với các đơn vị vận tải hành khách. Dù mức giảm giá từ 1/4 được đánh giá là không nhiều, song việc điều chỉnh lại giá nhiên liệu theo Nghị quyết số 18 cũng đã cho thấy sự vào cuộc của Quốc hội nhằm cứu cánh lại các công ty, DN trên bờ vực phá sản do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giá nhiên liệu tăng đột biến.
Ông Cầm Văn Ken, Giám đốc Công ty CP Xe khách số 1 Sơn La cho biết, hiện công ty có hơn 150 đầu xe, bao gồm xe khách liên tỉnh, nội tỉnh, xe bus và xe taxi. Đặc thù của công ty là kinh doanh vận tải hành khách, số lượng nhiên liệu sử dụng mỗi năm rất lớn, riêng trong năm qua, công ty đã sử dụng hết hơn 1,6 triệu lít dầu và khoảng hơn 125.000 lít xăng. Khi nhận được thông tin sắp tới sẽ được giảm 50% thuế môi trường trong sử dụng xăng dầu, tập thể anh em trong công ty rất phấn khởi.
“DN đang đứng trên bờ vực phá sản bởi lượng khách đi lại bây giờ giảm sút quá lớn khiến doanh thu không đủ chi phí. Khi có chính sách giảm thuế môi trường xăng dầu DN rất mừng, vì đây là nguồn lực lớn động viên DN vận tải và giá xăng dầu giảm càng sớm càng tốt để ủng hộ các DN trong thời điểm khó khăn hiện nay”, ông Ken bày tỏ.
Với điều kiện giao thông khó khăn của khu vực miền núi Tây Bắc, các phương tiện vận hành phải tiêu hao sử dụng nhiên liệu nhiều hơn so với mức bình thường, việc giảm giá xăng từ hôm nay xuống hơn 1.000 đồng/lít xăng cũng là tín hiệu vui. Điều này cho thấy phần nào sự hỗ trợ của Nhà nước giúp các DN phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh giá dầu thô có xu hướng tăng cao, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp./.