Giải pháp, chính sách cho nền kinh tế phải thực tế hơn

VOV.VN-Cần đi từ thực tế cơ cấu kinh tế, từ sản xuất thực để tìm ra giải pháp cho nền kinh tế, tránh đưa ra giải pháp chỉ từ lý thuyết.

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2014, vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, nhận được nhiều phản biện từ các chuyên gia kinh tế. Trong đó, đáng chú ý, nhiều chuyên gia “phê” nhiều đánh giá, kiến nghị giải pháp trong báo cáo này còn chung chung, quá “êm đềm”, thậm chí có ý kiến còn thẳng thắn cho rằng nhiều số liệu, nhận định ở tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Gợi ý chính sách... quá chậm

Về những nhận định đưa ra trong báo cáo của VEPR về “sức khỏe” nền kinh tế Việt Nam, TS Vũ Viết Ngoạn (Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia) cho rằng, nhiều nhận định có tính chất khái quát và mạnh dạn. Chẳng hạn, nhận định từ giữa năm 2013 đến nay, nền kinh tế nước ta đã trên đà phục hồi; tăng trưởng còn đang phải vật lộn với nhiều trở ngại; nền kinh tế phục hồi chậm, không dễ đạt mục tiêu tăng trưởng như các năm trước đây, vì phục hồi không bắt nguồn từ những cơ sở vững chắc; tái cơ cấu kinh tế chưa đi sâu vào những nội dung cụ thể... 

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thực chất hơn khi nhìn vào thực trạng nền kinh tế (Ảnh minh họa/KT)

Song, TS Ngoạn đánh giá 2 kịch bản về tăng trưởng (tăng GDP năm 2014 mức thấp là 4,15%, cao là 4,88%) mà báo cáo nêu chưa thuyết phục. Bởi vì báo cáo không dẫn ra được các căn cứ cụ thể để chứng minh. “Tôi không bị quan về tăng trưởng như nhóm tác giả đã nêu trong báo cáo”- TS Ngoạn nhấn mạnh.

Không những thế, TS Ngoạn đặc biệt lưu ý rằng, báo cáo này có đánh giá nền kinh tế đang phục hồi, nhưng chưa chỉ ra được yếu tố nào tạo nên sự phục hồi đó do sự đúng đắn của chính sách hay do yếu tố ngoại sinh tác động vào nền kinh tế. Nhìn chung, ông Ngoạt đánh giá, “đến thời điểm gần hết tháng 5 báo cáo này mới xuất hiện và đưa ra những gợi ý chính sách cho năm 2014 là quá chậm”.

Còn TS Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) đề nghị, cần phân tích chỉ rõ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng dưới tiềm năng. Bởi nhiều yếu tố nội lực tiềm năng chưa được phát huy. Gần đây, không chỉ doanh nghiệp nhỏ lẻ gặp khó khăn, phải phá sản gia tăng, mà nay cả nhiều doanh nghiệp lớn cũng khó khăn, phải phá sản hoặc gia tăng mua bán, sáp nhập. “Đây thực sự là điều đáng lo ngại cho nền kinh tế. Vì nhiều công ty đã từng phát triển, thành danh, giờ lại bị rơi vào tay các ông chủ nước ngoài” – ông Doanh nhấn mạnh.

Thực chất tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở đâu?

TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cũng cho rằng, những liệt kê về ràng buộc đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam như VEPR liệt kê ra chưa ổn. Theo ông Thiên, đó không chỉ đơn thuần là những chi tiết xếp cạnh nhau trong nền kinh tế. Các ràng buộc này đã thành một hệ thống, giờ muốn đục chỗ nào để thoát ra cũng khó. Vì sao chúng ta cố đột phá mãi mà không được? Hệ thống ràng buộc này có thể ví như một vòng xoáy, giờ muốn tháo ra một điểm nào đó cũng không dễ. Không thể coi mỗi ràng buộc đó như một điểm mà có thể nhặt từng cái ra để xử lý. Do đó, cần thiết phải chỉ ra được giải pháp để tháo gỡ những khó khăn này. Còn như nội dung báo cáo hiện “vẫn hiền lành, êm ái như Sông Hương ở Huế”- ông Thiên ví von.

Ông Thiên phân tích: Đơn cử, nhìn vào chỉ số lạc quan của sản xuất công nghiệp là thấy cần phải tính lại cho kỹ. Bởi vì, báo cáo gần đây nhất của Bộ KHĐT, doanh nghiệp đóng cửa 5 tháng qua cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 20%, trong khi đó chỉ số công nghiệp vẫn tốt lên. Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, cần nhìn nhận rõ ràng, sự tốt lên thực chất là của doanh nghiệp nào? Nếu nhìn vào điều này, phân tích kỹ ra sẽ thấy có thêm ràng buộc.

Từ đó, ông Thiên cho rằng, “nếu cứ theo các báo cáo, lấy các chỉ số chung tốt lên sẽ dễ bị che đi sự thực trong cơ cấu kinh tế. Đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm, cần phải nhìn nhận nghiêm túc để tránh ảo tưởng khi đọc báo cáo”.

Vì vậy, ông Thiên đề nghị: “Các nhà nghiên cứu cần gia tăng nhiệt huyết hơn. Đất nước đang cần độ “nóng”. Trong khi đó, các nhà học thuật vẫn ngồi, thỉnh thoảng phẩy quạt lông đưa ra một vài câu chuẩn mực về nguyên lý, là không ổn”.

Tìm giải pháp, hãy đi từ thực tế!

Đánh giá và chất lượng báo cáo lần này của VEPR, GS Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài) thẳng thắn: Các số liệu trong báo cáo vẫn rơi vào tình trạng không có cái mới, những kiến nghị đưa ra vẫn chung chung. Ông Mại đề nghị, Báo cáo cần đề cập đến những chủ trương Nhà nước đã làm thì cái nào đúng, cái nào chưa đúng; những việc nào đặt ra  thì đã triển khai vào thực tế được như thế nào, chẳng hạn về xử lý nợ xấu, tái cơ cấu kinh tế...

Ông Mại kiến nghị, các nghiên cứu kinh tế vĩ mô như thế này, cần có cách tiếp cận khác. Đó phải là tiếp cận đi từ thực tế thay vì cứ xuất phát từ lý thuyết. Bởi thực tế có rất nhiều mô hình làm kinh tế rất hiệu quả. Rất cần có nghiên cứu áp dụng vào nền kinh tế để thoát khỏi khó khăn.

Theo khảo sát thực tế của bản thân, ông Mại cho biết: ở nước ta đã có những mô hình kinh tế hiệu quả, chẳng hạn trong: công nghiệp hỗ trợ, nuôi thủy sản, chế biến sữa... Những mô hình này cần được nghiên cứu để qua đó soi rọi và lý thuyết, vào vĩ mô nền kinh tế để có thể đưa ra được những giải pháp phù hợp cho nền kinh tế hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên