Giải pháp khơi thông thị trường nông sản, thủy sản Việt Nam
VOV.VN -Một trong những giải pháp được cho là hiệu quả là tăng cường đổi mới xúc tiến thương mại.
>> Xuất khẩu nông sản, thủy sản cần nhiều giải pháp đồng bộ
>> Nông nghiệp Việt Nam chủ động đàm phán để xuất khẩu
>> Tăng cường xúc tiến xuất khẩu nông sản từ nay đến cuối năm
Trước thực trạng kim ngạch xuất khẩu các ngành nông sản, thủy sản giảm đáng kể trong những tháng đầu năm nay, đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục và khơi thông thị trường xuất khẩu nông sản, thủy sản. Một trong những giải pháp được cho là hiệu quả là tăng cường đổi mới xúc tiến thương mại.
Trong những tháng đầu năm nay, bức tranh xuất khẩu của cả nước khá ảm đạm, thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy giảm khoảng 5,1%. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản, gạo, cà phê đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, giảm mạnh nhất là cà phê với mức giảm 38,3%.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cung của các nước xuất khẩu dồi dào, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, điển hình là mặt hàng gạo và tôm chịu cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Ðộ; giá dầu thô giảm kéo theo chính sách duy trì giá trị đồng nội tệ thấp để thúc đẩy xuất khẩu của nhiều quốc gia; xu hướng bảo hộ của các nước gia tăng...
Ông Nguyễn Hoài Nam mong muốn, thời gian tới, Bộ Công thương có các giải pháp bền vững hơn, xúc tiến thương mại bài bản hơn. Khi đàm phán Hiệp định thương mại tự do với các đối tác, cần ưu tiên đòi hỏi quyền lợi cho nhóm mặt hàng nông, thủy sản.
Các hiệp hội khác cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, hoạt động xúc tiến thương mại được xem là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường. Tuy nhiên, hiện nay kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế. Xúc tiến thương mại không tiến triển, thậm chí giảm so với các nước khác.
Ngoài ra, xu hướng bảo hộ của các nước nhập khẩu gia tăng, cụ thể là các rào cản thương mại và kỹ thuật, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp với hàng nông lâm sản diễn ra ngày càng phức tạp, cũng là những nguyên nhân dẫn tới giảm kim ngạch xuất khẩu.
Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội cà phê, Ca cao Việt Nam cho biết, cà phê niên vụ 2014 -2015 đã thu hoạch xong với sản lượng giảm 20% so với niên vụ trước. Hiện giá cà phê thấp đến mức khiến nông dân và nhà xuất khẩu đều không mặn mà với việc bán ra mà chỉ cầm giữ hàng để chờ giá trên 40 triệu đồng/tấn đối với cà phê Robusta nhân xô mới bán. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Viết Vinh cho rằng, cần giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết. Cụ thể, giảm thủ tục trong kiểm dịch hàng hóa. Cà phê có những nước không yêu cầu kiểm dịch thì cũng không nên áp để tăng phí, thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp.
Theo ông Vinh, cần phải tăng cường tiếp cận thị trường trong khi nông sản đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phối hợp với các nước đang xuất khẩu nông sản, trong đó có cà phê để đẩy giá cà phê và giúp công tác xuất khẩu được khai thông.
Trước khó khăn của việc xuất khẩu nông sản, thủy sản hiện nay và trước kiến nghị của các hiệp hội và doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo thương vụ và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm của Việt Nam. Đồng thời, Bộ sẽ chủ động phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng để chia sẻ thông tin, giúp doanh nghiệp hoạch định chính sách và chiến lược kinh doanh.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, để xuất khẩu nông sản, thủy sản ổn định và bền vững, ngoài việc tăng cường và đổi mới xúc tiến thương mại thì rất cần có sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong việc tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Các doanh nghiệp cần tích cực tìm hiểu các thông tin, xúc tiến thương mại, tận dụng cơ hội thị trường cũng như những giải pháp liên quan tới đàm phán nhằm mở rộng và tháo gỡ rào cản thị trường, góp phần khai thông thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam./.