Giải pháp nào “cứu khát” cù lao Lợi Quan, Tiền Giang?
VOV.VN -Nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của người dân cù lao này đang trở nên khan hiếm nhất trong 10 năm qua.
Cù lao Lợi Quan thuộc huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang- vùng đất nằm giữa sông Tiền, tiếp giáp với biển Gò Công. Năm nay, do hạn mặn đến sớm, nắng nóng kéo dài đã làm cho vùng đất cù lao này vốn đã khô cằn càng thêm xơ xác. Nghiêm trọng nhất là nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của người dân cù lao trở nên khan hiếm nhất trong 10 năm qua. Trong khi đó, các dự án cung cấp nước sinh hoạt cho vùng đều triển khai, thực hiện quá chậm.
Chi phí “đổi” nước sinh hoạt cao hơn mua gạo để ăn
Vài tháng nay, ao chứa nước mặt tại ấp Tân Xuân, xã Tân Phú trở thành điểm đến quen thuộc của người dân địa phương. Vì mỗi ngày, có nhiều người tụ tập nơi đây để bơm, hút nước, chuyển về phục vụ cho sinh hoạt. Tuy nguồn nước này bị nhiễm phèn, mặn nhưng bất đắc dĩ người dân khu vực phải sử dụng cho sinh hoạt.
Người dân huyện cù lao Tân Phú Đông, Tiền Giang chắt chiu từng thùng nước ngọt dưới ao cạn đáy
Ông Nguyễn Văn Long cũng như nhiều người dân ở xã Tân Phú phải dùng xe đạp cố chở từng thùng nước dưới ao về cho gia đình sử dụng. Ông cho biết, sống trên đất cù lao này gần 60 năm, năm nào gia đình ông cũng thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Kể từ hơn 10 năm nay, mùa khô hạn năm nay ở vùng cù lao, huyện Tân Phú Đông là khắc nghiệt nhất. Đến nay, toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng đã khô đáy, không còn nguồn nước ngọt.
Hiện tại, vùng cù lao có 12.000 hộ dân; trong đó có khoảng 8.000 hộ đã thiếu nước sinh hoạt. Tại các ấp cuối nguồn như: Pháo Đài, Bà Từ, Cồn Cống, Phú Hữu (xã Phú Tân); ấp Tân Đông( xã Tân Thạnh) gần 100% hộ dân không còn nguồn nước hợp vệ sinh để sinh hoạt. Nhiều hộ phải mất chi phí “đổi nước” từ các dịch vụ đưa nước máy từ đất liền về với giá lên đến 90.000 đồng/ m3. Ở các khu vực này chi phí “đổi” nước sinh hoạt cao hơn chi phí mua gạo để ăn.
Ông Nguyễn Văn Đước người dân xã Phú Tân bức xúc: “Mấy tháng nay, nước cấp từ đợt, 3-5 ngày hoặc 10 ngày. Thà thiếu ăn 10-15 ngày được chứ thiếu nước 3 ngày thì không sống nổi. Tôi đề nghị phải sắp xếp như thế nào đó để tạo nguồn nước ngọt”.
Không chỉ có nguồn nước ngọt cho sinh hoạt bị khan hiếm mà nước phục vụ cho sản xuất, kinh doanh cũng thiếu thốn. Hàng trăm ha cây mãng cầu xiêm, cây sả, dừa, ổi... của vùng cù lao này đang xơ xác do thiếu nước ngọt.
Ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết thêm: Về lâu dài, với nước sinh hoạt, đề nghị công ty cấp nước lắp đặt, đưa đường ống dẫn nước khắp các ấp để tạo điều kiện cho bà con có nước vào mùa khô. Hiện nay, khu ấp xa đường ống dẫn nước người dân rất cần nước…”.
Cứ vào mùa khô, doanh nghiệp cấp nước lại sửa chữa, nâng cấp hệ thống
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xây dựng ở Cù lao Lợi Quan bất đắc dĩ phải sử dụng nguồn nước từ các ao nhiễm phèn, mặn để phục vụ cho việc xây dựng các công trình xây dựng nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học... rất nguy hiểm nhất là chất lượng và sự an toàn cho các công trình sau này.
Để đối phó với hạn mặn, những ngày qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo cho các ngành chức năng, công ty TNHH Một thành viên Cấp nước sinh hoạt nông thôn tỉnh và chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp tình thế để “giải khát” cho dân huyện Tân Phú Đông. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh còn tổ chức mở 17 vòi nước công cộng để cấp miễn phí cho dân nghèo ở các vùng hẻo lánh.
Vườn mãng cầu Xiêm xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông cháy lá do nước nhiễm mặn
Do nắng hạn còn gay gắt, nguồn nước từ các ao chứa trên cù lao này đã cạn dần và việc nâng cấp đường ống dẫn nước từ trạm cấp nước ở xã Tân Thới về các xã khác trên địa bàn thực hiện chậm nên hiện nay công tác "giải khát" cho dân cù lao vẫn chưa đạt nhu cầu. Hệ thống đường ống cấp nước phải điều tiết theo từng khu vực và rất nhỏ giọt.
Hàng nghìn hộ dân, hàng chục cơ quan, trường học, cơ sở y tế tại huyện Tân Phú Đông đang thiếu nước sinh hoạt. Trước đó, một số trường học phải đóng cửa cho học sinh tạm nghỉ học vì không có nước ngọt. Chính quyền và nhân dân tại đây rất bức xúc vì vấn đề nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt mùa khô lại phụ thuộc vào công ty TNHH Một thành viên Cấp nước sinh hoạt nông thôn Tiền Giang. Bởi toàn bộ nhà máy, cơ sở cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện đều do doanh nghiệp này quản lý, khai thác. Cứ vào mùa khô thì doanh nghiệp cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước ...
Đây là một trong những nguyên nhân gây thiếu nước ngọt cho dân. Trong khi đó, chất lượng nước sinh hoạt thì chưa đạt yêu cầu, độ phèn, mặn còn cao. Dù nước kém vệ sinh nhưng giá nước sinh hoạt hiện nay là 9.000 đồng/m3, nếu hộ dân nào sử dụng trên 15 m3 trong tháng thì phải đóng 40.000 đồng/m3.
Theo chính quyền và ngành chức năng địa phương, những giải pháp trên chỉ mang tính tình thế và rất tốn kém, thậm chí lãng phí ngân sách nhà nước mà chưa đảm bảo sức khỏe cho người dân. Về lâu dài phải có giải pháp, chiến lược mang tính khả thi; đó là kéo nước chất lượng cao từ đất liền vượt sông Tiền qua cù lao Tân Phú Đông. Vì toàn hệ thống nước ngầm vùng này đều nhiễm mặn; cơ quan chuyên môn khoan thử nghiệm ở độ sâu vài trăm mét thì đụng vào lớp đá.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, chia sẻ: “Năm nay việc cấp nước gặp nhiều khó khăn. Nhất là các xã cuối nguồn thiếu nước trầm trọng. Đề nghị các ngành của tỉnh xúc tiến thi công lắp đặt đưa nước từ BOO, Đồng Tâm qua Tân Phú Đông. Đó là giải pháp căn cơ nhất”./.