Giảm lãi suất điều hành tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay
VOV.VN - Từ hôm nay (15/3), mặt bằng lãi suất điều hành mới được áp dụng theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong 2 năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành.
Theo chuyên gia, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần này là vô cùng kịp thời và thể hiện nỗ lực trong việc kiểm soát yếu tố bất ổn trong nền kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Nhà nước đã công bố giảm các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm 1%/năm, tương ứng từ 4,5%/năm giảm xuống 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.
Ngoài ra, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND cho một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm 0,5%/năm, tương ứng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là một động thái “đi tắt, đón đầu” của Ngân hàng Nhà nước: "Tôi cho rằng lần điều chỉnh này của NHNN là để phản ứng lại việc 2 ngân hàng ở Mỹ sụp đổ, việc ngân hàng bên Mỹ sụp đổ do lãi suất cao làm giảm giá trị trái phiếu của ngân hàng Sillicon Valley. Có thể nói đây là động thái đi tắt đón đầu, NHNN đã đi trước sự quan tâm, lo lắng của thị trường, đưa ra tín hiệu rằng NHNN đang cố gắng giảm lãi suất".
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng trên cơ sở cân nhắc các yếu tố vĩ mô trong nước và thế giới, khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, thanh khoản hệ thống ổn định. Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất điều hành sẽ là dư địa, là tiền đề để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính LCTV Investment, cho biết: "Nỗ lực giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là cố gắng rất lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát cũng như đạt mục tiêu thúc đẩy kinh tế, khiến lãi suất giảm, giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, tiếp cận vốn vay, từ đó thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát của thế giới đang tăng cao".
Đầu tháng 3/2023, các Ngân hàng thương mại (NHTM) đã tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. NHNN cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho từng TCTD với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Tính đến 9/3/2023, huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng tăng 0,45% và tín dụng toàn hệ thống tăng 1,12% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp vẫn kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ được điều chỉnh giảm thêm trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nhìn nhận: "Để cân bằng mức lãi suất cho vay tôi cho rằng cần dựa vào lạm phát thực tế cộng lạm phát kỳ vọng cộng lạm phát mục tiêu, để định ra một mức mà coi đấy là mức chuẩn của lãi suất huy động. Nguyên tắc lãi suất phải là lãi suất thực dương, tức là huy động tiền tiết kiệm với lãi suất cao hơn là mức lạm phát, thứ hai là cho vay cao hơn tiền huy động để đảm bảo lãi suất thực dương. Như vậy chúng ta kỳ vọng lạm phát năm nay 3-4% thì lãi suất huy động sẽ vào khoảng 7-8%. Các ngân hàng ở Việt Nam vẫn chủ yếu thu lợi nhuận từ chênh lệch cho vay và huy động nên mức chênh lệch này khá cao, khoảng hơn 3%".
Mặc dù vậy, NHNN cho rằng cũng không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5%, lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao. Trong bối cảnh mặt bằng giá cả hàng hoá cơ bản chưa có nhiều biến động, lạm phát tháng 3 của Việt Nam được các chuyên gia kỳ vọng vẫn ở trong tầm kiểm soát./.