Giảm lãi suất vay - Doanh nghiệp liệu có dễ tiếp cận?
Nhiều khi ngân hàng giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp lại phải thêm nhiều phí "bôi trơn" mới vay được vốn.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, nếu điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, các mức lãi suất cho vay có thể được các tổ chức tín dụng cân nhắc điều chỉnh giảm 1-2%/năm để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Trong trường hợp giảm lãi suất từ 1-2%/năm, nhiều doanh nghiệp (DN) mừng thầm nhưng cũng băn khoăn: Liệu họ có dễ tiếp cận vốn hay lại khó khăn như việc khách hàng tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho bất động sản?
Đơn cử, ngành thép là ngành công nghiệp mũi nhọn, nhưng 2 năm gần đây lâm vào tình trạng "bí đầu ra" nên tài chính quay vòng khó. Nếu lần này Nhà nước điều hành cho giảm lãi suất - là cơ hội tốt cho DN. Tuy nhiên, để DN ngành thép cũng như DN khác tiếp cận được vốn thì Nhà nước cần quản lý chặt chẽ việc cho vay.
Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, ngân hàng cần phân định, đánh giá chính xác loại hình DN hoạt động để cho vay. Những DN sản xuất lâu năm, có uy tín, ngân hàng cho vay bằng thế chấp tài sản cần phải có sự thiện chí, tạo điều giữa 2 bên. Nếu trước đây, tài sản trị giá 100 triệu đồng, định giá cho vay 70 triệu đồng (70%) thì nay để tạo điều kiện cho DN, có thể cho vay tới 80% hay 90% tài sản định giá.
Đối với DN mới, ngân hàng cần đánh giá bằng việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, sản phẩm... để ước cho vay tài chính. DN lâu năm có uy tín, không có nợ xấu thì với ngân hàng cần tạo điều kiện cho vay và cho vay nhiều hơn.
Nhà nước phải điều hành, chỉ đạo chặt chẽ việc cho vay của ngân hàng, tránh trường hợp lãi suất thấp nhưng DN phải thêm nhiều phí "bôi trơn" để vay được vốn. Như vậy, lãi suất thấp lại hóa cao.
Riêng với cho vay kinh doanh bất động sản (BĐS) cần phải xem xét kỹ bởi thị trường này chứa đựng nhiều rủi ro./.