Giảm OMO - Biện pháp hạ nhiệt lãi suất?
Giảm lãi suất thị trường mở về mức 14%/năm chỉ là giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt
Sau một thời gian lãi suất thị trường mở (OMO) được duy trì trên mức 15%/năm, mới đây, Ngân hàng Nhà nước có quyết định giảm lãi suất về mức 14%/năm. Động thái này có giúp hạ nhiệt lãi suất?
Cơ hội tiếp cận vốn rẻ hơn?
Về mặt lý thuyết, việc giảm lãi suất OMO sẽ góp phần kéo mặt bằng lãi suất trên thị trường giảm xuống. Bởi có thể hiểu, nghiệp vụ thị trường mở là hoạt động Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào hoặc bán ra những giấy tờ có giá (kỳ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn, dài hạn…) trên thị trường. Thông qua hoạt động mua bán giấy tờ có giá, NHNN tác động trực tiếp đến nguồn vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng, từ đó điều tiết lượng cung ứng tiền tệ và tác động gián tiếp đến lãi suất thị trường. Chính vì vậy, lãi suất OMO giảm sẽ tạo điều kiện để các NH thương mại tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn. Do vậy, ở góc độ nào đó việc điều chỉnh giảm lãi suất OMO sẽ trợ giúp các NH thương mại hạ nhiệt lãi suất huy động và cho vay.
Đã một thời gian quá dài lãi suất ở mức cao khiến tình hình sản xuất bị đình đốn, thậm chí nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh phải tiết giảm sản xuất và đóng cửa. Chính bởi vậy, động thái giảm lãi suất OMO này của NHNN đã khiến khá nhiều kỳ vọng về việc lãi suất trên thị trường sẽ giảm theo. Trên thực tế, lãi suất huy động của các NH thương mại dù vẫn vượt trần quy định là 14%/năm nhưng trong hai tuần qua đã có dấu hiệu giảm nhẹ từ 1 - 1,5%. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất huy động này lại là do lạm phát có dấu hiệu giảm kể từ hồi tháng 4.
Lãi suất đã giảm nhẹ 1-1,5% nhờ lạm phát giảm (ảnh: Internet) |
Lo ngại nới lỏng tiền tệ
Thông thường, lãi suất được điều chỉnh theo tín hiệu của lạm phát. Thậm chí, một số người còn ví von mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất như nước và thuyền. Có nghĩa là nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống. Nhưng giữa hai yếu tố này thường có một khoảng cách. Khoảng cách này nhằm đảm bảo cho lãi suất thực dương và người gửi tiền thấy hợp lý để mang tiền bỏ vào các NH. Những năm trước, lạm phát ở mức 5-7%, lãi suất huy động được các NH thương mại duy trì ở mức khoảng 10%. Như vậy, sau khi trừ đi khoản mất giá của đồng tiền do lạm phát, người gửi tiền vẫn còn có thể lãi được 3 - 4%. Đây là mức được cho là hợp lý và các bên đều chấp nhận được.
Năm 2010, lạm phát là 11,75% khiến các NH nâng lãi suất lên để giữ chân đồng vốn. Và nay, chỉ 6 tháng mà lạm phát đã hơn 13% (và dự báo lạm phát cuối năm sẽ khoảng 17-18%) thì việc lãi suất được duy trì ở mức cao là hiển nhiên theo logic mối quan hệ lạm phát - lãi suất ở trên. Chính vì yếu tố này mà động thái hạ lãi suất OMO khiến nhiều lo ngại về việc nới lỏng chính sách tiền tệ và đi ngược lại logic trên.
Theo một số ý kiến, việc NHNN hạ lãi suất OMO cũng tương ứng với việc phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ. Bởi, về mặt lý thuyết, lãi suất OMO là mức lãi suất cao nhất trên thị trường vì NHNN là người cho vay cuối cùng mang tính chất hỗ trợ thanh khoản, sau khi các NH thương mại đã hết “cửa” vay các nơi khác thì mới tìm đến “cửa” NHNN để yêu cầu hỗ trợ thanh khoản. Chính thế, nhiều ý kiến lo ngại về việc hạ lãi suất này của NHNN. Bởi một số nước trong khu vực dù lạm phát chưa tới mức cao như Việt Nam nhưng lại đang có chủ trương tăng lãi suất để ngăn chặn làn sóng lạm phát, ổn định vĩ mô và giữ thành quả của tăng trưởng.
Chỉ là giải pháp linh hoạt
Trước các lo ngại trên, ngay sau khi có quyết định điều chỉnh lãi suất OMO về 14%, một quan chức của NHNN thông tin, đây là điều hết sức bình thường bởi lãi suất trên thị trường OMO rất linh hoạt. Đặc biệt, lãi suất OMO ở mức 14%/năm nhưng kỳ hạn chỉ có 7 ngày nhằm hỗ trợ những NH bù đắp thiếu hụt thanh khoản chứ không phải cho vay. Thêm vào đó, chỉ những NH có giấy tờ có giá mới được tham gia vay vốn trên thị trường này.
Trong khi đó, các NH thương mại hiện đang bị khống chế hạn mức tăng trưởng tín dụng không quá 20% và quy định giảm tỷ trọng tăng trưởng tín dụng phi sản xuất đến cuối năm 2011 về mức 16%/tổng dư nợ. Do đó, dù lãi suất OMO được nới về 14% nhưng các NH thương mại cũng chưa thể nới lỏng nhanh tín dụng từ nay đến cuối năm.
Cuối tuần qua, để khẳng định thêm, NHNN đã có thông báo bằng văn bản nói rõ ý kiến về việc điều chỉnh giảm này. Theo đó, NHNN cho rằng, điều chỉnh giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ OMO từ 15%/năm xuống 14%/năm, tương đương lãi suất tái cấp vốn hiện nay. “Đây không phải là tín hiệu chính sách, chỉ là giải pháp điều hành linh hoạt công cụ nghiệp vụ OMO hằng ngày phù hợp với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt”, NHNN nhấn mạnh.
Thực tế, thị trường hiện nay dư cung thanh khoản, lãi suất thị trường liên NH tương đối ổn định ở mức 12-13%/năm, lãi suất huy động vốn VND thực tế từ tổ chức kinh tế và dân cư có biểu hiện giảm. NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, theo các mục tiêu tiền tệ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 và Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 5/6 của Chính phủ./.