Giảm tác động từ vụ việc SVB đối với thị trường châu Âu
VOV.VN - Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn thế giới khi chính phủ các nước cố gắng đánh giá tác động của nó đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ, các tổ chức tài chính khác và thậm chí cả các quỹ hưu trí.
Chứng khoán châu Âu ngay trong phiên đầu tuần đã giảm mạnh, nhưng ủy viên kinh tế của liên minh châu Âu EU cho biết, sự sụp đổ của SVB không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định tài chính của châu Âu. Ông Gentiloni khẳng định với giới truyền thông cho biết sẽ không có tác động lớn ở thời điểm hiện tại đồng thời cho biết thêm rằng các cơ quan, chính phủ EU đang theo dõi tình hình chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Giới chuyên gia nhận định, việc SVB sụp đổ không gây tác động lớn đối với các ngân hàng EU, trong đó nhấn mạnh khả năng thanh khoản lớn và đa dạng của các ngân hàng này. Tuy nhiên, sự cố vẫn ảnh hưởng tâm lý nhiều nhà đầu tư, khiến thị trường chứng khoán của EU lẫn châu Á "lao dốc" trong những phiên giao dịch đầu tuần.
Ở một số quốc gia có chi nhánh SVB tại Anh, Đan Mạch, Đức, Thụy Điển, chính phủ các nước này cho biết, không có nhiều tác động đến nền kinh tế các nước này. Quỹ hưu trí lớn nhất của Thụy Điển, Alecta cho biết, sẽ phải đối mặt với việc mất tới hơn 1 tỷ euro mà họ đã đầu tư vào SVB và Signature. Tuy nhiên Cơ quan giám sát ngân hàng của nước này cho biết sự sụp đổ của cả hai ngân hàng không đe dọa đến sự ổn định tài chính của Thụy Điển.
Các nền kinh tế lớn nhất của EU, Pháp và Đức vừa cho biết không có rủi ro nào đối với hệ thống tài chính của mình. Cơ quan quản lý tài chính của Đức, đã cấm việc thanh lý và thanh toán tài sản của chi nhánh SVB tại Đức và áp đặt lệnh cấm, đóng cửa chi nhánh này một cách hiệu quả để giao dịch với khách hàng.
Bộ trưởng Tài chính Đức cho biết, các nhà chức trách châu Âu đang theo dõi tình hình một cách thận trọng. Trong một động thái tương tự, Bộ trưởng Kinh tế Italia Giorgetti cho biết Hệ thống ngân hàng của Italia và châu Âu chịu sự giám sát thường xuyên của các cơ quan giám sát châu Âu, điều này giúp đảm bảo sự ổn định của nó.
Dù chưa ghi nhận những mối nguy cơ lớn nhưng chính phủ các nước sẽ cần một thời gian để có đánh giá đầy đủ về hệ lụy từ việc này cũng như sẽ phải có kế hoạch trong những diễn biến tiếp theo. Giới phân tích cho rằng trong thời điểm hiện tại chính phủ các nước cần đẩy mạnh kiểm tra giám sát trong việc quản lý tài chính công. Các nhà quản lý châu Âu cũng kêu gọi các ngân hàng theo dõi chặt chẽ tài sản và nợ để ngăn chặn thiệt hại từ việc bán trái phiếu./.