Giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo NHNN: Có cản trở giao dịch tiền mặt?
VOV.VN - Theo Quyết định 11/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/12/2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước. Đây là quy định để bảo đảm sự giám sát của Nhà nước đối với các giao dịch tiền tệ, tăng quyền lực kiểm soát cung và cầu tiền để bảo đảm ổn định tiền tệ, chống rửa tiền...
Theo Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/12/2023, mức giao dịch có giá trị lớn từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thay vì 300 triệu đồng như hiện hành. Quyết định này áp dụng với các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan như bất động sản, đổi tiền... nhằm mục đích kiểm soát, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.
Trên thực tế, các quy định được áp dụng nhiều năm nay không hạn chế giao dịch tiền mặt, mà chỉ nhằm theo dõi những giao dịch không bình thường, phục vụ mục đích bất hợp pháp (nếu có). Cơ quan chức năng sẽ tự giám sát và nếu có vấn đề gì mới can thiệp, chứ hoàn toàn không cản trở hay công bố số liệu được báo cáo.
Góp phần chống rửa tiền
Trước những băn khoăn rằng, quy định mới này dù đã nâng hạn mức so với mức cũ nhưng thực hiện rất khó bởi quá nhiều giao dịch trên 400 triệu đồng thuộc diện phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, quy định này hoàn toàn khả thi.
Việc xây dựng Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg nhằm hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền và công tác phòng chống tội phạm.
Theo đánh giá của PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân, đây là quy định để bảo đảm sự giám sát của Nhà nước đối với các giao dịch tiền tệ, tăng quyền lực kiểm soát cung và cầu tiền để bảo đảm ổn định tiền tệ.
Nhà nước sẽ theo dõi cụ thể từng giao dịch để từng bước hiểu rõ nguồn gốc tiền tệ, xu hướng di chuyển dòng tiền, giảm thiểu các tiêu cực, nhất là tội phạm rửa tiền, các khoản tiền ko rõ nguồn gốc, giao dịch bất hợp pháp...
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng: "Quản lý các giao dịch này không khó vì các giao dịch chi tiết đều thông qua ngân hàng hoặc phi ngân hàng. Hiện nay có các ứng dụng trực tuyến, xử lý dữ liệu lớn nên quản lý tiện lợi vô cùng".
Vẫn đề là cần có nền tảng tin cậy và quy trùnh bảo mật tốt cũng như ứng dụng tiện lợi. Nếu giao dịch trực tiếp và bằng tiền mặt sẽ rất khó khăn trong quản lý, song với ngân hàng số và chính phủ điện tử thì việc này lại đơn giản, PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng nêu quan điểm.
Không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chia sẻ trên Nhà báo & Công luận, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá, việc Quyết định 11/2023/QĐ-TTg có hiệu lực là theo đúng định hướng.
"Luật Phòng chống rửa tiền trước đây có quy định giao dịch trên 300 triệu đồng phải báo cáo. Mức này nâng lên 400 triệu cũng bình thường. Như thế không phải siết chặt mà là nới lỏng hơn", ông Châu nhận định.
Theo ông Lê Hoàng Châu, các khoản có thể phát sinh rủi ro trong chuyện rửa tiền thì phải báo cáo. Còn báo cáo thì Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo, thống kê đánh giá rủi ro.
Xét về ngành bất động sản, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, khi quyết định giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo Ngân hàng Nhà nước đi vào đời sống, các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng.
Ông Châu cho biết, Việt Nam tham gia Công ước phòng chống rửa tiền của Liên hiệp quốc nên đã ban hành Luật Phòng chống rửa tiền năm 2020 và mới sửa đổi. Bất động sản là một trong những lĩnh vực có rủi ro lớn trong rửa tiền nên phải có quy định. Tuy nhiên, quy định này không chỉ áp dụng riêng cho bất động sản mà còn cho nhiều loại giao dịch có giá trị khác.
Đối tượng nào phải báo cáo NHNN khi giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên?
Đối tượng cần báo cáo bao gồm các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, bao gồm:
Tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động: Nhận tiền gửi; cho vay; cho thuê tài chính; dịch vụ thanh toán; dịch vụ trung gian thanh toán; phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính.
Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; đổi tiền.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động: Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược.
Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; kinh doanh kim khí quý, đá quý; kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã được Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022, thay thế cho Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Trong đó, Điều 25 của Luật quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Quyết định 11/2023/QĐ-TTg đã quy định cụ thể mức tiền này là 400 triệu đồng. Theo quy định cũ ban hành năm 2013, mức giao dịch phải báo cáo là trên 300 triệu đồng.