Giữ bình ổn mặt bằng giá, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
VOV.VN - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung để đề ra các biện pháp có tính tổng thể, dài hạn trong việc quản lý, điều hành giá, ổn định kinh tế vĩ mô.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 223/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý 2/2021 ngày 13/8/2021.
Thông báo nêu rõ, để đạt mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt triển khai các biện pháp, trong đó, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) để theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung và của các quốc gia, phản ứng chính sách về tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế lớn, nhất là các nền kinh tế có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với nước ta để đề ra các biện pháp có tính tổng thể, dài hạn trong việc quản lý, điều hành giá, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa tiếp tục phát triển kinh tế.
Điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Có giải pháp bình ổn giá, thực hiện chính sách điều hành đảm bảo mục tiêu, sát với tình hình thực tế và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân. Chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2021.
Bộ Tài chính, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt bảo đảm thống nhất, hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô; qua đó hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát mục tiêu.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; về cơ bản tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, cần chủ động các phương án để có thể điều chỉnh được một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép (xây dựng các quy định, định mức kinh tế - kĩ thuật, các phương án thực hiện...); các dịch vụ công triển khai theo lộ trình quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện.
Về điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu và điều hành sản xuất, xuất, nhập khẩu xăng dầu bảo đảm ổn định thị trường, tránh tồn kho lớn tại các nhà máy liên doanh trong nước, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới có tính đến bối cảnh dịch bệnh phức tạp; đồng thời tính toán mức trích và sử dụng quỹ bình ổn giá phù hợp, tạo dư địa cho công tác điều hành giá trong các tháng cuối năm, hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tránh tác động đến tâm lý xã hội.
Tiếp tục đánh giá kỹ các chi phí đầu vào, kế hoạch cung cấp điện, chi phí dự kiến và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện để xây dựng phương án giá điện năm 2021 theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa, đảm bảo cân đối cung cầu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân nhất là tại các vùng dịch, tránh để tăng giá cục bộ. Chủ động đàm phán, thúc đẩy thương mại với các nước mà Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, các phương án khơi thông lưu thông hàng hóa, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón để có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương cập nhật thông tin, diễn biến thị trường và nắm sát nguồn cung các sản phẩm lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung trong nước...
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động lưu thông hàng hóa đảm bảo thông suốt và tuân thủ theo đúng các quy định về kiểm soát dịch bệnh; đẩy nhanh việc xây dựng Thông tư quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay, theo đó áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa.
Tăng cường cập nhật, công khai về giá trúng thầu vật tư, trang thiết bị y tế
Bộ Y tế tiếp tục triển khai việc rà soát, sắp xếp lại danh mục dịch vụ kỹ thuật để chuẩn bị cho phương án điều chỉnh giá trong thời gian tới bám sát lộ trình và quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ; trường hợp không thực hiện được cần có báo cáo với các cấp có thẩm quyền.
Tăng cường cập nhật, công khai về giá trúng thầu vật tư, trang thiết bị y tế trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để thực hiện công khai, minh bạch, nhất là thông tin về giá các mặt hàng phục vụ chống dịch Covid-19. Bộ Y tế chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát giá thiết bị, vật tư y tế, thuốc phục vụ phòng chống dịch.
Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu một số giải pháp nhằm giám sát, bình ổn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, cát xây dựng... Theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong các tháng còn lại của năm 2021...
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh thực hiện công tác giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành, địa phương chủ động đẩy mạnh triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, điều hòa cung cầu hàng hóa thiết yếu, kiểm soát lạm phát đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp nhằm ổn định tâm lý người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi phát tán thông tin sai lệch sự thật, gây hoang mang trong dư luận. Tiếp tục theo dõi biến động của thị trường để có các điều chỉnh kịp thời trong công tác quản lý giá cước và khuyến mại các dịch vụ bưu chính, viễn thông./.