Giúp nông dân sản xuất nhiều đặc sản của địa phương, vùng miền
VOV.VN - Các địa phương thụ hưởng dự án đã định hình vùng sản xuất theo định hướng thị trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo chia sẻ kết quả phối hợp giữa hội nông dân Việt Nam và Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) 2015-2019 diễn ra sáng nay (23/5) tại Hà Nội, các đại biểu thống nhất nhận định, tại 11 địa phương thụ hưởng dự án, nông dân đã thay đổi được nhận thức trong sản xuất theo định hướng thị trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các hộ nông thôn nghèo.
Giai đoạn 2015-2019, thông qua các hoạt động của dự án triển khai tại 11 tỉnh, thành phố còn khó khăn và bị tác động bởi thiên tai gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Bến Tre, Đắc Nông, Hà Tĩnh, Hà Giang, Gia Lai, Ninh Thuận, Quảng Bình, Tuyên Quang, Trà Vinh đã xây dựng được các mô hình điểm nhân rộng, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ hội và hội viên nông dân.
Cụ thể, đã tổ chức 48 lớp đào tạo nghề cho 1.500 hội viên nông dân; 412 lớp tập huấn, đào tạo giảng viên nguồn về tiếp cận thông tin thị trường, phát triển chuỗi giá trị, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cho gần 12.000 nông dân.
Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch hội nông dân Việt Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Ông Kiều Như Bổn, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, với điều kiện khắc nghiệt, thường xuyên đối mặt với hạn hán, trong quá trình triển khai dự án ở 27 xã khó khăn bước đầu đã nâng cao năng lực cán bộ hội trong tiếp cận các phương pháp sản xuất mới, qua đó giúp nông dân sản xuất gắn với liên kết thị trường, xây dựng các mô hình trên những sản phẩm nông sản đặc thù của Ninh Thuận để tăng thu nhập cho nông dân.
“Dự án đã tạo điều kiện cho nông dân nghèo, nhất là phụ nữ và đồng bào dân tộc miền núi thay đổi về nhận thức về phương thức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Hội đã xây dựng được nhiều mô hình như trong chăn nuôi tập trung về những sản phẩm đặc sản như bò, cừu, lợn đen miền núi, những cây trồng có nho, táo, măng tây...”, ông Bổn cho biết.
Nhấn mạnh đến kết quả đạt được qua hơn 4 năm triển khai chương trình, ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch hội nông dân Việt Nam cho rằng, điểm quan trọng nhất của các dự án là đã chuyển từ phương pháp tập huấn tham quan thực tế như trước đây sang tập huấn đi đôi với thực hành. Trong đó, các nông dân sản xuất giỏi làm nòng cốt hướng dẫn các hội viên nông dân giảng dạy qua các mô hình đã thành công trên thực tế.
“Trong quá trình tổ chức thực hiện dự án, các cán bộ quản lý, nhất là ở địa phương phải hiểu nông dân và biết làm nông dân. Cán bộ quản lý biết nông dân vùng này trồng trái cây hoặc nuôi trồng thủy sản, từ đó có cách để hướng dẫn nông dân, cán bộ cơ sở hội nâng cao được trình độ, hướng dẫn cho nông dân. Khi có sự phối hợp ngay từ đầu, dự án sẽ kịp thời và đồng bộ trong quá trình triển khai, đem lại hiệu quả cao nhất”, ông Sùng chỉ rõ./.
Công khai thông tin về giá thị trường hàng hóa, dịch vụ trên toàn quốc