GMS cần tận dụng Cách mạng Công nghệ 4.0 để phát triển nông nghiệp
VOV.VN - Khoa học công nghệ được coi là giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao cho khu vực GMS.
Đây là nội dung quan trọng được đề cập trong bài phát biểu của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trong phiên thứ 2 Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS - Đối thoại chính sách cao cấp với chủ đề “Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Toàn cảnh phiên họp. |
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Tiểu vùng Mekong mở rộng với diện tích 2,6 triệu km vuông và dân số 333,8 triệu người gắn liền với hành lang sông Mekong đang nổi lên thành trung tâm tăng trưởng mới của một thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng.
Trong đó, nông nghiệp đóng vai trò quan trọngtrong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng. Tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp vào GDP của các nước GMS vẫn còn khá cao, đặc biệt đối với các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Đây là khu vực đóng vai trò rất quan trọng cho sinh kế của người dân, đặc biệt là nhóm dân cư thu nhập thấp. Trong thập niên vừa qua, tỷ lệ nghèo của các nước GMS đã giảm một nửa nhờ cải tiến công nghệ sản xuất, tăng năng suất, tăng thu nhập trong khu vực nông nghiệp.
Trong thời gian tới, nông nghiệp sẽ tiếp tục là ngành quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo và là bệ đỡ quan trọng cho các ngành kinh tế khác tại Tiểu vùng Mekong mở rộng. Đồng thời, dư địa thị trường và cơ hội cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vô cùng rộng lớn.
Kể từ đầu thế kỷ 21, thế giới chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhu cầu đối với hàng nông lâm thủy sản cùng với tăng trưởng kinh tế và hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng.
Với lợi thế về nông nghiệp, các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng sẽ còn dư địa rất lớn để chiếm lĩnh thị trường thực phẩm toàn cầu với quy mô 15.000 tỷ USD/năm, và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với thương mại hàng nông, lâm, thủy sản ở mức gần 2.000 tỷ USD/năm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, khoa học công nghệ được coi là giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội quý giá cho các nước với các tiềm năng ứng dụng mới.
Để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở các nước GMS, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất 5 nội dung hợp tác như sau:
Thứ nhất, các nước cần đẩy mạnh hơn việc phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp xuyên biên giới.
Thứ hai, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển nông nghiệp giữa các nước Tiểu vùng sông Mekong.
Thứ ba, phối hợp tốt nhất trong giao thương giữa các nước, tận dụng lợi thế của việc vận chuyển hàng hóa theo hành lang sông Mekong. Tăng cường hợp tác và ứng dụng công nghệ mới để phát triển ngành logistics hỗ trợ nông nghiệp và quản lý chất lượng hàng nông sản xuyên biên giới
Thứ tư, tăng cường đầu tư và phối hợp giữa các nước, giữa khối công và khối tư trong khu vực GMS trong các chương trình nghiên cứu, đào tạo, khuyến nông hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, quản lý dịch bệnh và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng của công nghệ số.
Thứ năm, tận dụng tối đa các ứng dụng của công nghệ 4.0 trong các chương trình quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý rủi ro thiên tai quy mô vùng (dự báo, cảnh báo sớm thời tiết; cảnh báo cháy rừng; diễn biến xâm nhập mặn nước ngầm, nước mặt; cảnh báo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; cảnh báo lũ lụt; giám sát an toàn hồ đập và điều hành liên hồ chứa thông minh…). Tăng cường hợp tác về quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước quý báu của sông Mekong cho phát triển nông nghiệp./.
GMS đóng vai trò quan trọng thúc đẩy thương mại khu vực và toàn cầu