Gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho ngư dân sẽ được đẩy nhanh tiến độ
VOV.VN - Chính phủ cùng các Bộ, ngành quyết liệt thực hiện tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đóng tàu cho ngư dân.
Phân tích về những tồn tại trong nền kinh tế, đặc biệt là chính sách của Chính phủ hỗ trợ ngư dân phát triển và khai thác thủy sản theo Nghị định 67, các Đại biểu Quốc hội đánh giá đây là chính sách tốt và kịp thời, tuy nhiên công tác triển khai còn chậm.
Đại biểu Nguyễn Thái Học, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, nguồn vốn 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân thực hiện theo Nghị định 67 của Chính phủ mặc dù đã được Chính phủ rất quyết tâm trong chỉ đạo điều hành, Bộ NN&PTNT, NHNN nỗ lực triển khai thực hiện nhưng theo báo cáo của Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, đến nay mới chỉ có 2 tàu đóng mới và giải ngân xong và trong những ngày gần đây có thêm mấy tàu mới được giải ngân. Trong khi Quốc hội bàn và thống nhất đã nhận được sự ủng hộ của ngư dân, của nhân dân nhưng khi triển khai thực hiện lại chậm trễ.
Đại diện cho những ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, Đại biểu Nguyễn Cao Phúc cho biết, việc sản xuất của ngư dân hiện vẫn còn nhiều khó khăn và đối mặt với nhiều rủi ro. Ngư dân mới phục hồi sau vụ giàn khoan 981, tiếp theo ngày 16/5 vừa qua, Trung Quốc lại ngang nhiên tuyên bố cấm đánh bắt và xua đuổi ngư dân ở ngư trường Hoàng Sa. Hành động trên đã diễn ra nhiều năm gây khó khăn trong việc sản xuất của ngư dân.
Cử tri kiến nghị, Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ ngư dân, hạn chế tối đa thiệt hại khi bị tàu Trung Quốc xua đuổi, uy hiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân an tâm sản xuất trên ngư trường truyền thống của mình.
Đồng thời trong thời gian qua do biến đối khí hậu nên thiên tai ngày càng diễn ra nghiêm trọng, khó lường, các cảng cá và vùng neo đậu đã bồi lấp hoặc đầu tư không hoàn thiện, hoặc chưa đáp ứng được cho các tàu có công suất lớn và quy mô, chưa đủ để lượng tàu của địa phương neo động tránh trú bão.
Vì vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn lực để thực hiện đầy đủ các chính sách của Nghị định 67, đó là đầu tư các cảng cá, khu vực neo đậu tránh trú báo để bảo vệ tài sản, tính mạng ngư dân. Đồng thời điều này cũng tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ hậu cần, chế biến trên bờ, giải quyết lao động của vợ, con của họ, giảm bớt khó khăn cho ngư dân.
Chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu đang được triển khai rộng rãi. (Ảnh: KT) |
“Chương trình cho vay sửa chữa, đóng tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ, theo Nghị định 67 của Chính phủ mặc dù đã được ngành ngân hàng đã tích cực trong các giải pháp để tháo gỡ, tuy nhiên giải quyết vấn đề này không chỉ riêng ngành ngân hàng. Chính phủ cần chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương có giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, để các chương trình này đạt được ý nghĩa của nó”, đại biểu Bé cho biết.
Ngân hàng hiện nay đang thí điểm chính sách cho vay theo chuỗi liên kết, đây là hướng đi rất đúng, đảm bảo khắc phục tình trạng hiện nay sản xuất không đi với tiêu dùng và tiêu thụ. Tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, chính sách cho vay theo Nghị định 67 cần phải điều chỉnh về việc thế chấp vay vốn vì nhiều cơ sở còn rất khó khăn. Hơn nữa, việc quy định mẫu tàu đóng được ban hành quá chậm. Trong khi đó, người dân đang khó khăn lại quy định sử dụng máy tàu mới là càng tăng thêm khó khăn. Đặc biệt khi đóng tàu vỏ thép, cả nước mới có 4 điểm. Đề nghị Chính phủ có giải pháp để mở rộng đối tượng này.
Giải đáp những khúc mắc về chính sách này, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định: Những biện pháp phát triển thủy sản theo gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu khai thác thủy sản là sự cố gắng đầy trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương.
Nghị quyết 67 khá đồng bộ và toàn diện về đầu tư hạ tầng đồng bộ từ đóng mới tàu khai thác, cảng cá, khu tránh trú, neo đậu cũng như sản xuất và hậu cần nghề cá tạo sẽ cú hích tạo sự chuyển biến vượt bậc trong phát triển khai thác nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ nâng cấp và đóng mới khuyến khích đóng tàu vỏ thép, công suất mới vật liệu mới.
Đặc biệt, chính sách hỗ trợ của Chính phủ miến giảm thuế, miễn giảm phí trước bạ, hỗ trợ cho phí duy tu bảo dưỡng, cho ngư dân vay vốn không thế chấp… Đối với tàu và trang thiết bị trên tàu được hỗ trợ từ 70- 90% kinh phí. Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, bảo hiểm cho thuyền viên và người lao động trên tàu… tới 90 – 95% tổng giả trị của tàu với lãi suất 7-9%/năm nhưng chủ tàu, ngư dân chỉ phải trả lãi suất 1 - 2% trong 11 năm, số còn lại được Trung ương hỗ trợ bằng nguồn Quốc hội phân bổ, ngư dân không phải thế chấp tài sản khác để vay vốn, thực hiện thế chấp bằng chính tàu đóng mới để vay vốn.
Đến ngày 21/5, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT 28 địa phương đã đăng kí 468 tàu vỏ thép và vật liệu mới sấp xỉ 50%, trên 60% tàu có công suất trên 800CV; tàu dịch vụ và hậu cần nghề cá 78 cái. Đã kí hợp đồng 52 tàu đang giải ngân tổng số tiền 525 tỷ đồng và đã giải ngân 100 tỷ đồng, có 10 tàu đã giải ngân trên 50% đã có 2 tàu giải ngân xong, tiến trình không phải quá chậm vì thời gian đóng tàu khoảng 7 – 8 tháng.
Các Bộ, ngành, địa phương nắm tính hình thực tiễn rất sát. Qua các cuộc họp với các địa phương lắng nghe ý kiến ngư dân, Chính phủ đã tiếp thu và đưa ra nghị quyết trong đó đưa ra hai định hướng: Nếu nội dung triển khai chính sách có liên quan đến các Bộ, ngành phải khẩn trương hướng dẫn triển khai thực hiện.
Nếu liên quan trực tiếp đến thẩm quyền của Chính phủ đã chỉnh Nghị định: Cho phép máy tàu đã qua sử dụng khi nâng cấp tàu 400 CV trở lên; Giao các bộ nghiên cứu kéo dài thời gian cho vay và hỗ trợ lãi suất với tàu vỏ thép và vật liệu mới; Đồng ý hỗ trợ thiết kế tàu vỏ gỗ mới và tàu vật liệu mới có công suất trên 400 CV trở lên, giao địa phương triển khai thực hiện./